Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(Dân sinh) - Ngày 26/12, Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Năm 2019, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn nghành, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều kết quả quan trọng. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 32 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 

Thanh Hóa: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2019.

Các cơ sở, trường nghề đã tập trung đào tạo các nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động; cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. 

Chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng lên, 97,6% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; trình độ ngoại ngữ, tin học. Công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp được quan tâm. 

Thanh Hóa: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 2.

Thanh Hóa: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 3.

Các cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị

Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, giúp người lao động ra trường có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là trình độ trung cấp và cao đẳng đối với nhóm nghề kỹ thuật công nghiệp. 

Trong năm đã đào tạo nghề nghiệp cho 44.516 người (cao đẳng 1.460 người, trung cấp 8.166 người, sơ cấp 21.962 người, đào tạo dưới 3 tháng 12.927 người); kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề cho 38.796 lượt người, bằng 100,4% kế hoạch năm và bằng 105,3% so với năm 2018. Trong đó, tuyển sinh đào tạo nghề trọng điểm 4.050 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt 90 đến 95%, trình độ trung cấp đạt 85 - 90%, trình độ sơ cấp đạt 75%.

Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người khuyết tật, đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 5.439 người, trong đó số lao động học xong đến thời điểm hiện tại có việc làm là 4.902 người, đạt 90,1%.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm 2019, công tác giáo dục nghề nghiệp ở Thanh Hóa đã có nhiều đột phá trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tại hội thi thiết bị tự đào tạo cấp tỉnh đã lựa chọn 10 mô hình thiết bị tiêu biểu tham gia hội thi toàn quốc và đều đạt giải, trong đó: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, xếp thứ 3 toàn quốc. Tại kỳ thi tay nghề cấp tỉnh tổ chức tháng 12/2019, 60 thí sinh của 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tham gia…", ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho biết thêm: "Công tác giáo dục nghề nghiệp đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu khác. Đã có sự nhận thức tích cực của người lao động về học nghề. Các trường nghề đã tập trung đào tạo nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động như: Điện công nghiệp; cơ khí; công nghệ ô tô; kỹ thuật xây dựng... Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết đầu ra cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, giúp người lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động... ", ông Huy thông tin.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề được các đại biểu dại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của đơn vị; đồng thời kiến nghị, đề xuất, đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó: Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đào tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm...

Nhân dịp này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho 5 tập thể và 32 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2019.