Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tháo “điểm nghẽn" trong quy hoạch, tạo động lực tăng trưởng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 1/6, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các đại biểu kiến nghị việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chỉ rõ những vấn đề trọng tâm còn vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt là quyết định liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia

Đồng tình về việc Chính phủ đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) quan tâm đến vấn đề quy hoạch và cho biết, hiện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đang khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch theo cấp của mình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, còn rất nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, khiến nhiều dự án đang chậm triển khai đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị KIm Bé

Đại biểu Nguyễn Thị KIm Bé

“Các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật không được lập mới, lại được thực hiện điều chỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu thực tế.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để các địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Ưu tiên các giải pháp giảm phí, thuế cho DN và người dân

Liên quan đến tình hình hoạt động của các DN cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) khẳng định DN là xương sống của nền kinh tế. Cộng đồng DN không lúc nào như lúc này cần được đồng hành, chia sẻ khó khăn, ưu tiên các chính sách tháo gỡ khó khăn về đơn hàng, thủ tục hành chính, vướng mắc về nguồn vốn.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp giảm phí, thuế cho DN và người dân, nhất trí việc giảm thuế VAT 2% và kéo dài hết năm 2024. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch; cải cách để giảm các thủ tục cho các DN cũng như có phương án giải quyết các phát sinh vấn đề an sinh xã hội…

Đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Chiến lược phát triển giáo dục cũng như Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. “Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ là hiện hữu.

Cán bộ không làm gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật

Tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động. Không hành động là một bất tắc vi, trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, có 3 trường hợp không hành động. Trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động, trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động, trường hợp thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động. Đại biểu nhấn mạnh, cả 3 trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có hành vi này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật mà do yếu tố chủ quan từ con người. Tuy nhiên, có tình trạng khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ thì thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật. Đại biểu cho rằng cần phân tích nguyên nhân từ con người, để có giải pháp căn cơ cho các vấn đề hiện nay.