Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thay đổi cuộc sống nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi tại Đắk Lắk

Trong những năm qua, chủ trương giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Người nghèo được cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 25.753 lượt hộ nghèo. Các đối tượng chính sách khác ở huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, có 24.795 lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp hơn 9 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 13 ngàn lao động, Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện thực sự là kênh vốn quan trọng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu, thay đổi cuộc sống.

Đàn gia cầm tại nhà Chị Yến

Đàn gia cầm tại nhà Chị Yến

Nguồn vốn đến với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tác động của chính sách này được đánh giá cao đến công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Với chính sách tín dụng ưu đãi này, gia đình chị Hồ Thị Yến (ở thôn 3, xã Ea Kpam huyện CưM’gar tỉnh Đắk Lắk) đã được vay 50 triệu đồng để cải thiện vườn cây (cà phê, sầu riêng), đầu tư thêm vào chăn nuôi gia cầm. Đến nay, vườn cây, đàn gia cầm của gia đình chị phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chị Hồ Thị Yến cho hay: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, tôi đã cải tạo đất làm lại vườn cà phê, sầu riêng, mua phân bón, nuôi thêm gia cầm, gia súc, có nguồn vốn này đã giúp gia đình tôi đỡ khó khăn hơn về vốn khi cần mua phân bón, tưới nước, mua heo giống… Đến nay, gia đình tôi có thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi cho thu nhập cao hơn, ổn định hơn, đỡ vất vả hơn trước.

Không phải riêng gia đình tôi, tại đây, nhiều gia đình được vay vốn đã thay đổi cuộc sống, không còn khó khăn như trước.

Những cây sầu riêng cho trĩu quả, kết quả của nguồn vốn ưu đãi

Những cây sầu riêng cho trĩu quả, kết quả của nguồn vốn ưu đãi

Tại nơi đây, Hội đoàn thể các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đưa tin và hình ảnh hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đăng tin trên báo, phổ biến trong các buổi họp giao ban định kỳ tại xã, tổ chức tập huấn cho Hội đoàn thể cấp xã, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Trưởng các thôn buôn, thường xuyên cập nhật các văn bản mới và treo công khai các văn bản liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã về các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, nhân dân biết về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo điều kiện cho hộ vay tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn có hiệu quả mang lại thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, người nghèo được cải thiện điều kiện sống, có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết: Số hộ nghèo từ 4.069 hộ giảm xuống còn 1.418 hộ, giảm 2.651 hộ; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện giảm 7,26%, bình quân giảm 1,45%/năm, từ 10,60% xuống còn 3,34%. Số hộ nghèo DTTS giảm 1.636 hộ, từ 2.566 hộ xuống còn 930 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 10,31%, bình quân giảm 2,06%/năm, từ 15,12% xuống còn 4,81%.

Các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo chung theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả, giải quyết được các khó khăn, nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo và thôn, buôn đặc biệt khó khăn, Chính sách tín dụng ưu đãi đã giải quyết cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mô hình trồng xen dừa với sầu riêng

Mô hình trồng xen dừa với sầu riêng

Việc tăng nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, nhà vệ sinh, nhà ở, giáo dục…