Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 286,6 triệu ca, trong đó trên 5,44 triệu ca tử vong do đại dịch này.

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 286,6 triệu ca, trong đó trên 5,44 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 466.000 ca), Pháp (206.243 ca) và Anh (189.213 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.216 ca), Nga (926 ca) và Ba Lan (709 ca).

Số ca mắc mới tăng vọt ở nhiều nước, đẩy tổng số ca mắc trong ngày 30/12 toàn thế giới lên tới 1,7 triệu ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày toàn thế giới vượt mốc 1 triệu kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.

Hơn 85% các ca nhiễm mới xảy ra ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Omicron gồm châu Âu với 4.022.000 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tăng 36% so với tuần trước, và Mỹ và Canada với 2.264.000 ca trong cùng giai đoạn, tăng 83%. Trong khi đó, châu Á ghi nhận 268.000 ca mắc mới, giảm 12% so với tuần trước. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục giảm trong 3 tuần liên tiếp với 6.400 ca được ghi nhận trong tuần qua - giảm 6% so với tuần trước.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

VTV cũng đưa tin, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Hy Lạp ngày 30/12 đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với ngành dịch vụ giải trí. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 16/1/2022. Các quán bar, câu lạc bộ giải trí ban đêm và nhà hàng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm và không được bật nhạc. Ngoại trừ đêm nay (đêm Giao thừa), các địa điểm này có thể mở cửa đến 2h sáng 1/1/2022, hạn chế số khách.

Trước đó, nhà chức trách Hy Lạp đã ra lệnh cấm các lễ hội vào dịp Giáng sinh và năm mới tại nơi công cộng. Ngày 29/12 vừa qua, Hy Lạp đã ghi nhận gần 29.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay tại nước này.

Bộ trưởng Y tế Cuba Miranda cho biết, nước này đặt mục tiêu hoàn thành tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả các cá nhân đủ điều kiện trong tháng 1/2022. Cuba đã tiêm gần 1,5 triệu liều tăng cường, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao ở thủ đô La Habana.

Cuba đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hơn 9,6 triệu người, tương đương 86% dân số, với các loại vaccine nội địa. Khoảng 92% người dân Cuba, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, đã được bảo vệ với ít nhất một mũi vaccine do nước này tự sản xuất, đưa Cuba trở thành nước có tỷ lệ dân số được tiêm ngừa COVID-19 cao nhất khu vực Mỹ Latin và đứng thứ hai trên thế giới. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 với tỷ lệ hơn 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.

Tại Đông Nam Á, Indonesia sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số địa điểm là nơi tụ tập đông người đón Giao thừa hàng năm để phòng dịch. Riêng tại thủ đô Jakarta có 10 địa điểm phải thực hiện lệnh giới nghiêm kể từ 22h đêm 31/12, 10 địa điểm này sẽ phải đóng cửa, phân luồng giao thông không đi qua các khu vực này. Khoảng 3.500 cảnh sát và nhân viên của Sở Giao thông được huy động để đảm bảo thực hiện giới nghiêm.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Đông Java cũng sẽ đóng cửa toàn bộ quảng trường trong tỉnh vào đêm Giao thừa, đồng thời hạn chế thời gian hoạt động của các địa điểm công cộng, vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm dịp năm mới.

Campuchia cách ly bắt buộc người nhập cảnh từ Thái Lan. (Ảnh: AP)

Campuchia cách ly bắt buộc người nhập cảnh từ Thái Lan. (Ảnh: AP)

 

Lào đã cho phép kinh doanh thương mại thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir do nước này sản xuất dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là loại thuốc được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ phê duyệt để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trên 18 tuổi. Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir được sản xuất tại Lào có tên là Molacovir.

Theo Bộ Y tế Lào, đối tượng được sử dụng là người trong độ tuổi 18 - 65 có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và đang ở giai đoạn đầu mắc COVID-19; đồng thời phải không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy. Bộ Y tế Lào cũng cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm, nước này chỉ sản xuất với số lượng đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19 và mỗi người sẽ được cấp thuốc đủ uống trong 5 ngày (tương đương một liệu trình).

Chính quyền các tỉnh của Campuchia giáp biên giới với Thái Lan đang xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19, trong đó có khả năng áp dụng cách ly bắt buộc và xét nghiệm PCR, do lo ngại biến thể Omicron. Báo chí Campuchia ngày 30/12 cho biết, nước láng giềng Thái Lan mới đây công bố phát hiện 514 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó ít nhất 147 ca lây nhiễm cộng đồng. Trong số này, có nhiều ca được ghi nhận tại khu vực giáp biên giới với cửa khẩu quốc tế O'Smach International của Campuchia.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia thông báo, 34 ca nhiễm Omicron ở Campuchia đều từ các hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không.

Sau 6 ngày kể từ khi ghi nhận những ca nhiễm Omicron đầu tiên, Thái Lan ngày 30/12 lại phát hiện một cụm siêu lây nhiễm biến thể này tại tỉnh Kalasin, phía Đông Bắc nước này. Cụm dịch gồm hàng trăm ca lây từ hai du khách Bỉ.

Hai người từ Bỉ tới Thái Lan nghỉ Giáng sinh và đã ghé các quán bar, một buổi hòa nhạc và chợ. Hàng trăm người đã bị nhiễm biến thể Omicron trong cụm dịch này. Giới chức y tế Thái Lan phân loại, cụm dịch này là một "sự kiện siêu lây nhiễm". Thái Lan hiện ghi nhận 740 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 251 trường hợp là người đã tiếp xúc với khách nước ngoài.

Chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 của Trung Quốc đang gặp thách thức, khi những ổ dịch vẫn xuất hiện liên tiếp hơn 2 tháng nay. Trung Quốc đã quyết định tiến thêm một bước trong siết chặt kiểm soát mạnh mẽ nguy cơ từ bên ngoài, đó là lập những vùng đệm ở các thành phố dọc biên giới để ngăn dịch bệnh xâm nhập vào sâu nội địa. Nước này đang dốc sức để dập ổ dịch hơn 1.000 ca tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây bằng cách phong tỏa thành phố 13 triệu dân này.

Vùng đệm được thành lập với nhiều chốt chặn dọc biên giới nghiêm nhằm triển khai mạnh các biện pháp giám sát, sàng lọc người và hàng hóa, quy trình vệ sinh các chuỗi sản xuất, kho lạnh.

Hàn Quốc đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng thực tế từ ngày 30/12. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhấn mạnh, cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh hiện nay là ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến thể Omicron thông qua các biện pháp phòng dịch triệt để và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Thủ tướng Kim Boo-kym cho rằng, người dân Hàn Quốc không nên chủ quan với biến thể Omicron nếu chỉ dựa trên việc tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng ở mức thấp. Nếu số ca mắc mới COVID-19 tăng gấp đôi, hệ thống y tế sẽ chịu gánh nặng lớn.

Chính phủ Nhật Bản đang tích cực mở rộng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong bối cảnh người dân đi lại nhiều vào dịp cuối năm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện đã có 14 tỉnh, thành ở nước này thành lập các cơ sở xét nghiệm miễn phí. Riêng tại thủ đô Tokyo, có hàng trăm địa điểm cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho người dân theo chương trình của chính phủ. 

Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm kiểm soát dịch COVID-19, giúp phát hiện sớm các ca mắc mới, nhất là nhứng trường hợp nhiễm biến thể Omicron, góp phần ngăn chặn sự lây lan của biến thể này trong cộng đồng.