Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thị trường lao động phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, và quy mô

(Dân sinh) - “Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe phiên chất vấn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe phiên chất vấn

Thị trường lao động vừa qua đang đi đúng hướng

Sáng 6/6, tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về quy mô lao động việc làm?

Theo đại biểu, quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm...; dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí sức lao động lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên”, đại biểu Linh nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Đánh giá của Bộ trưởng về thị trường lao động Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Đánh giá của Bộ trưởng về thị trường lao động Việt Nam

Cũng liên quan đến thị trường lao động, đại Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) chất vấn, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%.

“Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đăng đàn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người.

Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, lao động kỹ năng vẫn còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển. 

“Thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…”, ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Đối với chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh về tình trạng thiếu việc làm, Bộ trưởng cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25 %. Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.

Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) về lao động qua đào tạo và năng suất lao động, kỹ năng đào tạo… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trên thực tiễn việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động.

Bộ trưởng cũng tán thành với quan điểm của đại biểu và cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.

Chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều

Còn đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị chỉ rõ chính sách về giáo dục nghề nghiệp.

Trả lời chất vấn của đại biểu Sương, Bộ trưởng Bộ LaĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

“Muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội”, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh. 

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông.

“Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này”, ông Dung cho biết.

Về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng cho biết, công tác này đã có nhiều cố gắng trong thời gian vừa qua, trong 3 năm qua, đã tiến hành hỗ trợ 68 triệu lượt người. Chưa bao giờ các địa phương, các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất. 

Thời gian tới, ông Dung cho biết, cần dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến đời sống, bộ phận lao động chuyển sang tuổi hưu. Bộ cũng đã có nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.