Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thơ Hà Nội - Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước

(Dân sinh) - Sáng 10/6 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Thơ Hà Nội - Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước". Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét, sau ngày thống nhất đất nước (1975), đề tài về chiến tranh tiếp tục trải dài trong thơ ca về Hà Nội. Đồng thời, Hội Nhà văn Hà Nội đang tuyển chọn để in một tập thơ về chống dịch Covid-19.

Thơ Hà Nội - Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước - Ảnh 1.

Hội thảo diễn ra ngày 10/6 tại Hà Nội.

Không chỉ tự hào về vẻ đẹp phố phường, người Hà Nội còn tự hào về cốt cách riêng của mình: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Trong thời chiến (1945-1975), hình ảnh của Hà Nội hiện lên với rất nhiều cung bậc cảm xúc như lãng mạn, hào hoa trong những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm hay trường ca "Em ơi Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ....

Sau 1975 cho tới nay, Hà Nội trở về với thời bình, gắn với những câu chuyện, cảm xúc, tâm sự riêng của từng cá nhân. Nhận xét về giai đoạn này, TS Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng, chỉ có sự chân thành trong tình yêu Hà Nội là nguồn cơn duy nhất khiến những bài thơ, câu thơ lưu luyến mãi trong ký ức người đọc.

TS Đỗ Anh Vũ khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà một loạt bài thơ về Hà Nội thời bình đều được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng công chúng, chắp thêm một đời sống nữa cho tác phẩm như: Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu), Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa (thơ Bùi Thanh Tuấn), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng)... Điều đó minh chứng cho sức sống bền lâu của các vần thơ về Hà Nội.

Thơ Hà Nội - Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước - Ảnh 2.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét, sau ngày thống nhất đất nước (1975), đề tài về chiến tranh tiếp tục trải dài trong thơ ca về Hà Nội. Và đó là các vần thơ về nỗi niềm của người lính nhớ về chiến trường, nhớ về người đã khuất, về nhân tình thế thái và các vấn đề hậu chiến. Càng về sau này, các vần thơ đã tập trung nhiều hơn cho đời sống mới, phát hiện ra vẻ đẹp mới trong công việc của những người dân Hà thành. Vừa rồi, các nhà thơ Hà Nội đã tham gia chiến đấu cho cuộc chiến chống Covid-19, họ coi cuộc chiến chống Covid-19 như chống giặc, cũng có hào khí và hào hùng. Các nhà thơ thành chiến sĩ và trang giấy thành chiến lũy.

"Để có được những vần thơ như: Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chính Hữu, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật ... thì cần có thời gian để thẩm thấu và lắng đọng. Tôi tin rằng, các vần thơ sáng tác về Hà Nội được sáng tác bằng trái tim và lòng nhiệt huyết sẽ trường tồn cùng thời gian. Và các nhà thơ tài năng của Hà Nội cũng đang ở phía trước. Các bạn hãy cùng chờ xem", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.