Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk

Ngày 7/6, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã có buổi tiếp thân mật Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An và Đắk Lắk nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định: Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc tập, tự do của Tổ quốc.

Chia sẻ với Đoàn đại biểu những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Đắk Lắk.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu người có công tỉnh Đắk Lắk.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2022), được sự đồng ý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các cơ quan liên quan sẽ tổ chức một số hoạt động trọng tâm. Cụ thể như: Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ toàn quốc năm 2022 tại thành phố Hà Nội; Cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định; Lễ phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương tại Hà Nội; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ tại tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, các hoạt động thường niên vẫn diễn ra như tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà người có công và gia đình liệt sĩ; thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ; chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ.

Tại buổi gặp mặt, đại diện đoàn đại biểu người có công của hai tỉnh đã chia sẻ những tâm tư tình cảm, đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công với cách mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, kết quả trao đổi của các đoàn là thông tin và thực tiễn quan trọng để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng cũng b ày tỏmong muốn đại biểu người có công tiêu biểu của hai tỉnh có mặt hôm nay tiếp tục nỗ lực phấn đấu, là tấm gương quý để giáo dục thế hệ trẻ.

Về công tác chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, địa phương đã xác nhận, công nhận hơn 124.270 người có công. Trong đó, có hơn 45 nghìn liệt sĩ, hơn 5.000 cán bộ lão thành cách mạng, hơn 2.700 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,…. Toàn tỉnh có hơn 68 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với kinh phí hơn 136 tỷ đồng. Tỉnh còn ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công, tổ chức tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa,…Đoàn đạo biểu ra thăm Hà Nội lần này của tỉnh Nghệ An có 32 đại biểu.

Còn tỉnh Đắk Lắk đã xác nhận, công nhận hơn 47 nghìn người có công với cách mạng. Công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định. Trên địa bàn tỉnh có 39 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ tạo mọi điều kiện để người có công được thụ hưởng chính sách, ổn định cuộc sống về vật chất và tinh thần. Đoàn đại biểu của Đắk Lắk có 24 đại biểu.