Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra một số mô hình sinh kế tại huyện miền núi A Lưới

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra một số mô hình sinh kế tại huyện miền núi A Lưới

Cụ thể, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá 8, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 26/10, các đại biểu tham dự cuộc họp đã thống nhất thông qua 22 nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng để các ngành, địa phương kịp thời triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Một trong những nội dung quan trọng, được nhiều người quan tâm là việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện 3 chương trình MTQG, gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV).

Theo tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh xin điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện/xã thuộc phần ngân sách địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.

Trước đó, ngày 14/7/2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-HĐND về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, giao dự toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện 3 chương trình MTQG. 

Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 63/NQ-HĐND là 1.863.653 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.206.881 triệu đồng; ngân sách tỉnh đối ứng 284.555 triệu đồng và ngân sách cấp huyện, cấp xã đối ứng 372.217 triệu đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 CTMTQG tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 theo Nghị quyết 63/NQ-HĐND là 557.061 triệu đồng, gồm: ngân sách trung ương hỗ trợ 346.760 triệu đồng; ngân sách tỉnh đối ứng 96.122 triệu đồng. 

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh cơ cấu ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 288.005 triệu đồng (tăng 3.450 triệu đồng so với Nghị quyết 63); ngân sách cấp huyện, xã đối ứng là 368.767 triệu đồng (giảm 3.450 triệu đồng) nhưng không làm thay đổi tổng mức đầu tư trung hạn đã phê duyệt.

Đối với năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh tăng cơ cấu nguồn ngân sách tỉnh đối ứng 3,45 tỷ đồng; giảm cơ cấu nguồn ngân sách cấp huyện, xã tương đương. Lý do là trong năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí kinh phí từ nguồn xổ số kiến thiết hỗ trợ cho 2 thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Trong năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất điều chỉnh giảm một số công trình, dự án trong kế hoạch vốn xây dựng NTM để bổ sung 6 công trình tại huyện Quảng Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà. 

Điều chỉnh 1 danh mục dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện A Lưới do dự án trước đã được đầu tư.

Đối với Chương trình MTQG GNBV, sẽ điều chỉnh quy mô đầu tư 2 dự án tại huyện A Lưới, đổi tên 2 dự án tại Trường Cao đẳng Giao thông Huế và Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhằm phù hợp với tính chất, mục tiêu cũng như quy định của Trung ương.

Tất cả điều chỉnh trên đều không làm thay đổi tổng nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và tỷ lệ ngân sách địa phương đối ứng.

Liên quan nội dung trên, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 về kết quả thực hiện các chương trình MTQG và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 được tổ chức ngày 18/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những báo cáo sơ bộ.

Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đến nay Thừa Thiên Huế đã giao 78% kế hoạch. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Vì vậy, số liệu giải ngân đến thời điểm báo cáo khoảng 10.497 triệu đồng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giải ngân 351.087 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 346.760 triệu đồng (đạt 100%) và ngân sách địa phương 44.327 triệu đồng. Riêng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 mới được giao nên chưa có số liệu giải ngân, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giải ngân 108.904 triệu đồng ngân sách trung ương (đạt 100%).