Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo về vai trò của 2 tờ báo cách mạng trong mặt trận dân chủ Đông Dương

Sáng 12/4, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế”. Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 85 năm tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn - cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (1937-2022).

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Theo tư liệu lịch sử, trước Cách mạng tháng 8/1945, dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, việc xuất bản báo chí nói chung và báo chí có xu hướng cộng sản nói riêng rất khó khăn, nhất là giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939) đang phát triển ở Huế. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, hiệu triệu quần chúng có hiệu quả, Trung ương Đảng chỉ thị bặng mọi giá “các cấp bộ đảng” phải có báo chí trong tay làm cơ quan ngôn luận, biến cơ quan này thành vũ khí đấu tranh cách mạng.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng, những người hoạt động cộng sản ở Huế và Trung kỳ nhanh chóng nắm bắt tình hình, ứng phó một cách linh hoạt, khẩn trương đưa người để đứng tên xin ra báo hợp pháp làm cơ quan ngôn luận.

Được Xứ ủy lâm thời Trung kỳ nhất trí, ngay từ giữa năm 1936, các Đảng viên ở Huế (đa số là những cựu tù chính trị vừa được Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp thả ra) thông qua các nhà báo Hồ Cát, Phạm Bá Nguyên, Nguyễn Xuân Lẽ - là những người của Đảng hoạt động chưa bị lộ tiến hành làm thủ tục đứng tên xin phép xuất bản tuần báo Kinh tế Tân văn số 1 ra ngày 9/1/1937 và Nhành Lúa số 1 ngày 15/1/1937 làm vũ khí đấu tranh. Cả 2 tờ tuần báo này đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế và Xứ uỷ Trung kỳ giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nhưng cả hai tuần báo có sức hấp dẫn, đã đi vào đời sống thợ thuyền, quần chúng lao động, trí thức yêu nước... và ảnh hưởng tích cực khá dài về sau. 

Hội thảo thu hút 16 tham luận, các tác giả đã mang đến hội thảo nhiều góc nhìn mới, tư liệu mới, về một số nhà báo đã tham gia Ban biên tập Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn và làm sáng tỏ vai trò chủ đạo của báo chí trong giai đoạn 1936- 1939 ở Huế.

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, 2 tuần báo đã có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí và cả trong hoạt động chính trị. Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn đã xác lập chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế, miền Trung và rộng ra là cả nước, trong đó nổi bật lên vai trò chủ đạo của các nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng.        

Theo ông Hoàng Khánh Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, báo chí ở Thừa Thiên Huế ra đời muộn hơn so với ở Sài Gòn và Hà Nội, tuy nhiên khi ra đời, các tờ báo ở đây đã sớm gây được tiếng vang lớn trên diễn đàn báo chí cả nước. Với đường lối chính trị nhạy bén, báo chí yêu nước và cách mạng ở Huế thực sự là diễn đàn ngôn luận, vừa làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa định hướng con đường cách mạng cho quần chúng nhân dân đi theo dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản, đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.        

Nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế, báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn ra đời ngay giữa mảnh đất mà chủ nghĩa thực dân và phong kiến cấu kết chặt chẽ với nhau và ra sức đàn áp phong trào cách mạng, Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn thực sự là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, để từ đó, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và những kết quả đạt được trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, các cơ quan ngôn luận, báo chí của Đảng bộ tỉnh tiếp tục con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.