Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên Huế và Quảng Trị khẩn trương ứng phó mưa lũ bất thường

Hai địa phương là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ bất thường.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ngày 1/4, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết hồ Hương Điền để đối phó với tình hình mưa lớn đang diễn biến phức tạp.

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 12 giờ qua, lượng mưa đo được tại các trạm thuộc lưu vực hồ Hương Điền (thị xã Hương Trà) từ 200-250mm, lưu vực hồ Hương Điền từ 200-250mm, lưu lượng về hồ có lúc lên đến 2.000m3/s.

Thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, từ đêm 1-3/4, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi lên đến 250mm.

Căn cứ mực nước hồ Hương Điền lúc 11h ngày 1/4; mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc và mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long, dự báo có khả năng xuất hiện đợt lũ trên báo động I ở sông Bồ.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Công ty CP thủy điện Hương Điền vận hành hồ Hương Điền điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 500-1.000m3/s; đồng thời điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 15h chiều nay (1/4).

Trước đó, đơn vị này cũng đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các phương án đối phó với tình hình mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Quản lý chặt chẽ số ghe thuyền bãi ngang ven biển.

Các địa phương rà soát phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng thấp trũng, ngập úng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm, tràn.

Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân xã Vinh Hiền lợp lại mái nhà bị lốc xoáy làm hư hại. Nguồn: QĐND

Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân xã Vinh Hiền lợp lại mái nhà bị lốc xoáy làm hư hại. Nguồn: QĐND

Cũng tại Thừa Thiên Huế, khoảng 14h chiều 31/3, trên địa bàn xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) đã xảy ra trận lốc xoáy làm 27 ngôi nhà bị tốc mái, 7 chiếc thuyền, ghe trên đầm phá của người dân bị chìm. Lốc xoáy cũng làm 4 người dân bị thương do nhà bị tốc mái, rơi trúng vào người.

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, gần 40 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đã giúp những gia đình bị tốc mái dưới 50% khắc phục hậu quả. Đối với các gia đình có nhà bị tốc mái hoàn toàn, trong ngày 1/4, lực lượng vũ trang huyện sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình khắc phục hậu quả, bảo đảm cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Quảng Trị sơ tán gần 5.000 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Cũng trong ngày 1/4, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị  đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá, lũ, sạt lở đất.

Hiện các địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị đã triển khai cắt cử lực lượng trực canh, đặt barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn đang ngập và có nguy cơ ngập, nước chảy xiết.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán 4.914 hộ với 15.679 khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở. 

Đoạn đường đang được sửa chữa trên tuyến Quốc lộ 9 nối Lao Bảo với TP Đông Hà tiếp tục sạt lở

Đoạn đường đang được sửa chữa trên tuyến Quốc lộ 9 nối Lao Bảo với TP Đông Hà tiếp tục sạt lở

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, trong 24 giờ qua, khu vực tỉnh đã có mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm.

Mưa lớn đã khiến mực nước suối Nguồn Rào (xã Hướng Sơn, Hướng Hoá) dâng cao, ngập đoạn cầu tràn Nguồn Rào và một số điểm khác, khiến giao thông tuyến đường liên xã bị gián đoạn.

Tại địa bàn huyện Đakrông, mực nước sông trên địa bàn lên nhanh làm ngập lụt các cầu tràn, trong đó tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng) và tràn Tà Rụt – A Vao (đường vào trung tâm xã A Vao) ngập khoảng 0,3m, tràn Ly Tôn (xã Tà Long) ngập khoảng 0,5m khiến giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Mưa lớn cũng gây sạt lở tuyến Quốc lộ 9, đoạn từ Km54+190 - Km54+455. Khối lượng đất đá ở mái ta luy dương đổ sạt xuống chắn ngang, thu hẹp 1/2 mặt đường Quốc lộ 9 khiến giao thông bị ách tắc cục bộ. Đáng chú ý, trước khi xảy ra sạt lở, khu vực này đang được các đơn vị thi công gia cố ta luy âm, bạt ta luy dương do bị sạt lở từ mùa mưa cuối năm 2021.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng, đơn vị thi công đã nhanh chóng bố trí nhân lực, máy móc đến hiện trường để thu dọn đất đá, khơi thông, giải phóng mặt đường. Đến trưa 1/4, tuyến đường đã cơ bản đã thông xe cả hai làn đường.