Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thương binh Đoàn Văn Khanh Xứng danh “bộ đội cụ Hồ”

Ở tuổi 70, mặc dù bận rộn công việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng thương binh Đoàn Văn Khanh, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang) luôn miệt mài với các hoạt động từ thiện.

Người thương binh “tàn nhưng không phế"

 Năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cậu bé Khanh lúc đó khoảng 9, 10 tuổi đã xung phong làm giao liên, rồi gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới 12 tuổi. Năm 14 tuổi, bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến, Tư Khanh trở về làm xã đội phó, rồi làm xã đội trưởng xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng.

Dù có điều kiện kinh tế nhưng thương binh Đoàn Văn Khanh luôn sống giản dị.

Dù có điều kiện kinh tế nhưng thương binh Đoàn Văn Khanh luôn sống giản dị.

Trải qua nhiều năm công tác, ở nhiều cương vị khác nhau, năm 1994, ông nghỉ hưu. Với tỷ lệ mất sức 61%, thuộc hạng thương binh 2/4, tuy sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt đoàn thể tại địa phương và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Song Thuận.

Thấy cuộc sống người dân xã Song Thuận còn nhiều khó khăn, ông vận động hội viên Hội CCB góp vốn xoay vòng, xây dựng Quỹ Đồng đội và đề ra các phong trào “Bao gạo đồng đội”, “Mái tôn thay lá”, “Câu lạc bộ 5 triệu đồng”; xây dựng các mô hình kinh tế. Ông bàn bạc với Ban chấp hành Hội trích quỹ mua dê và thỏ giống, nhờ hội viên khá giả nuôi, sau đó thu dê con, thỏ con tặng các hội viên nghèo, giúp nhau thoát nghèo. Không những vậy, nhằm giúp anh em CCB có vốn chăn nuôi, ông Khanh dùng 6 công đất thế chấp vay ngân hàng 600 triệu đồng để góp vốn cho các hội viên. Từ những phong trào này, nhiều hội viên đã thoát cảnh nhà mái lá, ổn định nơi ở để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ mua sắm được tài sản có giá trị.

Ông cũng là người mạnh dạn đầu tư để phát triển vườn cây ăn quả là đặc sản vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Dừa, bưởi… và phát triển chăn nuôi.

Cơ duyên đến với nghề y dược cổ truyền

Năm 2006, tin đồn ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư vú ở phụ nữ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang. Nhìn những trái bưởi bán không ai mua lại còn bị mang tiếng xấu, ông cũng như nhiều nông dân không khỏi xót xa. Muốn chứng minh thông tin đó là sai, lại từng nghe nói đến một số bài thuốc dân gian trị bệnh từ bưởi, ông Khanh quyết tâm nghiên cứu về tác dụng của quả bưởi đối với sức khỏe con người.

Du khách tham quan mô hình du lịch.

Du khách tham quan mô hình du lịch.

Ông làm đơn xin từ chức Chủ tịch Hội CCB xã Song Thuận để lên TP. Hồ Chí Minh học nghề y chuyên về thuốc Nam. Qua đây, ông nắm được các dược tính của quả bưởi cũng như cách phối kết hợp bưởi cùng các nguyên liệu khác để làm ra mỹ phẩm và các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Với sự nỗ lực của ông, các sản phẩm lần lượt ra đời đã chiếm được lòng tin và ưa chuộng của khách hàng. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng ông đã chiết xuất thành công tinh dầu hoa bưởi với nhiều công dụng như trị hói đầu, rụng tóc, tóc thưa, kích thích mọc tóc.

Tiếp đó, ông lại cho ra đời sản phẩm nước bưởi ép với công dụng giải độc cơ thể, hạ men gan, hạ huyết áp, tan mỡ bụng, giảm cholesterol… Hai sản phẩm này đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 năm 2008. Đồng thời, giải pháp: "Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc" của ông Khanh được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam" (năm 2008). Tính đến nay, ông đã sản xuất thành công hơn 20 sản phẩm từ bưởi, dừa sáp và một số cây thuốc nam trong vườn nhà. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu sản xuất ra nhiều loại trà, thuốc từ hoa bưởi và thảo dược trị bệnh về bao tử, đại tràng mãn tính, viêm đa khớp, thần kinh tọa, gai thoái hóa cột sống… với tỷ lệ số người điều trị đạt hiệu quả đến 70%.

Vừa phát triển kinh tế vừa chăm làm từ thiện

Hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Long Thuận để phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình trồng và chăm sóc dược liệu, với chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, ông tự nghiên cứu ra một số loại thuốc nam để trị sâu bệnh cho cây và kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng.

Ông Đoàn Văn Khanh và các sản phẩm do mình nghiên cứu, sản xuất ra.

Ông Đoàn Văn Khanh và các sản phẩm do mình nghiên cứu, sản xuất ra.

Hiện, nhiều sản phẩm của công ty đã đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền và các tiêu chuẩn quốc tế: CGMP, ISO-HACCP, ORGANIC…

Điều đáng nói, với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không đặt nặng tính kinh doanh. Ông bảo: “Có nhiều cách để kiếm tiền, làm giàu, nhưng làm giàu trên người bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. “Tiếng lành đồn xa” bệnh nhân bị các bệnh mạn tính ở các nơi tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.

Không chỉ vậy, ông Khanh còn xây dựng khu vườn thành điểm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan. Khu vườn của ông Khanh có diện tích 8.000 m2, chuyên trồng bưởi, hơn 100 cây dừa sáp, một số cây thuốc nam như: Mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… để cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh trồng xen canh các loại cây một cách khoa học, ông Khanh còn thiết kế những cây cầu thép cao chót vót trên ngọn dừa tạo thành hệ thống giao thông trên cao để du khách tham quan. Cùng với đó là các nhánh dẫn ra ngọn dừa và nhà chòi để khách nghỉ chân, chụp ảnh hay tự tay hái dừa uống nước. Du khách được tham quan vườn miễn phí, nhưng giá mỗi trái dừa hái xuống là 100 nghìn đồng. Nếu khách hái trúng dừa sáp mà không dùng thì vườn sẽ mua lại với giá 200 nghìn đồng. Thú vị hơn, du khách còn được trải nghiệm bắn lựu đạn, bắn súng cối, tái hiện lại cách bắn lựu đạn của du kích vành đai Bình Đức. Đồng thời, thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn như: Cháo dừa, cơm dừa kho, gỏi tép bưởi và dừa, bánh khọt… kèm các loại rau sạch được trồng trong vườn.

Hiện, thu nhập từ việc kinh doanh của ông lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trước thành công đó, ông vẫn không quên trích góp phần lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, đồng đội và người nghèo, xây dựng đường điện nông thôn mới; hàng năm ủng hộ phong trào “Bao gạo cho đồng đội”… Năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen đã đạt thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2016, góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ngoài ra, ông cũng đã nhận được nhiều huy chương vàng và bằng khen khác.