Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

Các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đá nhất trí thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP. HCM.

Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức. Nguồn: VTC News

Báo Người lao động đưa tin, ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 51 với việc xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM, trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân TP. Thủ Đức (VKSND).

Chiều cùng ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về viêc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM.

Theo tờ VTC News, 100% Uỷ viên đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 quận là Quận 2; Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Năm 2019, cả 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Việc thành lập TP. Thủ Đức giúp TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Chính phủ, HĐND, UBND TP.HCM và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.