Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Tiền có sẵn, tại sao địa phương không giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động?”

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Khi nhận hồ sơ, trong 2 ngày phải thẩm định, sau 2 ngày phải giải ngân

Chủ trì họp đốc thúc việc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà là quyết định nhân văn, nhân ái, cần thiết với tổng số tiền lên đến 6.600 tỷ. Người lao động rất chờ đợi nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà này nhưng tiến độ giải ngân gói chính sách này rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động. Việc này ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động. Người lao động đang gặp phải khó khăn chồng chất chưa kể con cái, học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước.... Hơn bao giờ hết, vấn đề đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là hết sức cần thiết. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của các ban, bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tìm cho ra nguyên nhân việc giải ngân ách tắc để có giải pháp tháo gỡ. 15/8 là hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng không phải ngày giải ngân cuối cùng. Do đó, các địa phương phải đảm bảo dù hồ sơ có gửi đến sau 23h ngày 15/8 cũng phải nhận, giải quyết. Về nguyên tắc, khi nhận hồ sơ, trong 2 ngày phải thẩm định, sau 2 ngày phải giải ngân. Bộ trưởng chỉ rõ: "Việc giải ngân thực hiện chính sách này có một lợi thế so với đợt giải ngân tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là đã có sẵn địa chỉ, số tài khoản của những người thụ hưởng. Vấn đề ở đây là địa phương băn khoăn về rủi ro nên chậm trễ giải quyết, cố tình khiến người lao động không được thụ hưởng chính sách trong thời điểm này".

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là chính sách rất đặc biệt. Thủ tướng ngày nào cũng đôn đốc triển khai, qua đó để thấy trách nhiệm rất cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với vấn đề lo cho người lao động. “Không lý gì chậm trễ việc triển khai chính sách này khi mà trong bối cảnh khó khăn, TPHCM cùng hàng loạt tỉnh thành phải phong tỏa để chống dịch mà vẫn giải ngân được 81.000 tỷ đồng, hỗ trợ tới 55 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có thể nói, chưa bao giờ thủ tục, quy định giản đơn như hiện nay, chỉ cần có xác nhận của nhà chủ, người lao động chuyển cho BHXH xác nhận và chi tiền. Vậy vấn đề là do khâu tổ chức thực hiện? Ngày 15/8 kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 30/8 phải hoàn thành việc giải ngân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nghịch lý khác Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, đó là những đợt thực hiện các chính sách an sinh trước còn khó khăn để thu xếp nguồn lực, giờ gói 6.600 tỷ này, tiền về các địa phương cả rồi mà vẫn chưa giải ngân được.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, tính đến 0h ngày 12/8, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 61.084 doanh nghiệp với 3.023.050 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.130 tỷ đồng (tương đương với 32,8 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương). Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 32.106 doanh nghiệp, 2.070.377 lao động với kinh phí gần 1.314,5 tỷ đồng (tương đương với 61,7% so với số kinh phí đề nghị). Số hồ sơ đã được giải ngân là 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến).

10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Thái Nguyên, Tây Ninh. Đáng chú ý, có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế nên tính đến thời điểm hiện tại, dù đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỉ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao, đã có văn bản điều chỉnh ví dụ như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng… Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam... (đặc biệt An Giang, Bắc Ninh còn là các địa phương có số lao động và kinh phí dự kiến rất cao).

Công khai thông tin tiến độ giải ngân trên báo chí 3 ngày/lần

Theo ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Thành phố có số lượng doanh nghiệp và lao động rất lớn, do đó cần nhiều thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Tính đến ngày 12/8, TP.HCM đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ với số tiền khoảng 477 tỉ đồng (chiếm 26,88% tổng dự toán kinh phí), nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động với số tiền trên 144 tỉ đồng (đạt 8,13% tổng dự toán kinh phí). Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thành phố có xấp xỉ 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỉ đồng, tức là chiếm 1/3 cả số lượng đối tượng và tiền giải ngân của gói 6.600 tỉ đồng. Thành phố rất khó khăn khi phong tỏa để chống dịch COVID-19 nhưng có nhiều cách làm sáng tạo để không ai bị đói. TP.HCM còn đem gạo, đem tiền đến người dân, chi hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ kịp thời, kèm hàng triệu túi an sinh tới tận tay bà con. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ thuê nhà của thành phố rất chậm dù đã có danh sách được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận, số tài khoản ngân hàng của người lao động. Từ báo cáo của đoàn công tác thuộc Bộ LĐ-TB&XH vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: "TP.HCM xem lại cách làm thời gian vừa qua của mình, vì hình như thành phố đang "đẻ" ra rất nhiều thủ tục khác nhau. Nếu cứ "đẻ" ra thêm thủ tục xác nhận như giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng… thì làm sao làm nhanh được?".

Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng Bảo hiểm xã hội TP.HCM vào cuộc quyết liệt, và sẽ có thư gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai gói 6.600 tỉ đồng. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tham mưu UBND TP, có văn bản gửi doanh nghiệp rà soát và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trước 15/8. Số đã phê duyệt thì khẩn trương giải ngân, đồng thời yêu cầu xác nhận nhanh hồ sơ đã gửi nhưng chưa được duyệt. "TP.HCM phải coi đây là việc trọng yếu trong tháng 8. Bộ sẽ cử đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và cùng TP.HCM tháo gỡ. Cần nữa thì đoàn liên ngành của Chính phủ sẽ kiểm tra việc thực hiện của thành phố. Nếu TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ giải ngân xong, toàn quốc cơ bản xong. TP.HCM nhất quyết phải xong trong đầu tháng 9”, Bộ trưởng phát biểu.

Người lao động thuê nhà đang rất cần tiền hỗ trợ.

Người lao động thuê nhà đang rất cần tiền hỗ trợ.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến với người lao động nhanh và hiệu quả nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ đạo tổ chức ngay các đoàn kiểm tra việc thực thi tiến độ, hồ sơ quy trình phê duyệt tại một số địa phương.

Biểu dương 10 địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, phê bình 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo: “Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát lập danh sánh người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động để hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà, gửi UBND cấp huyện phê duyệt. Để thực hiện nhanh việc tiếp nhận, giải ngân tiền hỗ trợ”.