Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Cuối năm lại “nóng” chuyện thưởng tết

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 phổ biến tương đương 1 tháng lương.

Do mức lương tối thiểu vùng vừa tăng trong năm 2024 nên sẽ cao hơn năm trước từ 6 - 8%.

Được biết, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định "sẽ có thưởng tết". Một số   doanh nghiệp ở phía Nam đã công bố mức thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán từ đầu tháng 12 để người lao động yên tâm làm việc. 

Cuối năm lại “nóng” chuyện thưởng tết - 1
Dự báo mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 phổ biến tương đương 1 tháng lương (Ảnh: Đại Việt)

Mặc dù Bộ luật Lao động 2019 không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động, nhưng thưởng tết vẫn luôn tồn tại như một nét văn hóa doanh nghiệp, đồng thời cũng là niềm mong mỏi của người lao động.

Căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong một năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ về chế độ thưởng tết. Mức thưởng sẽ do doanh nghiệp quyết định.

Dẫu cho đến giờ thông tin về thưởng tết còn thưa thớt trên truyền thông đại chúng so với những năm trước, nhưng không phải là vấn đề không còn được quan tâm. Thực tế, đối với nhiều người lao động, tiền thưởng tết là điểm tựa để họ có được nguồn tài chính chi tiêu trong dịp tết vốn là khoảng thời gian đòi hỏi phải chi nhiều khoản khác nhau. 

Theo một số chủ doanh nghiệp, mặc dù khó khăn chưa đi qua, nhưng năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh đã phần nào được phục hồi, nên nhìn chung, họ không còn phải chạy vạy tìm nguồn để thưởng tết như vài năm trước.

Ngay cả nhiều doanh nghiệp trong một số lĩnh vực gặp khó khăn như bất động sản, giày da, chế biến thủy sản... chủ doanh nghiệp cho biết cũng cố gắng có được khoản thưởng tết cho dù có thể là khiêm tốn. Cho đến giờ, các thống kê đều cho thấy chưa có doanh nghiệp nào chính thức công bố không có thưởng tết và vì thế, người lao động vẫn có quyền hy vọng. 

Tiền thưởng tết có tác dụng kích thích người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động, tạo sự gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các loại tiền thưởng bao gồm thưởng tết như một sách lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt năm nay, nhiều công ty thưởng tết dựa vào chỉ số hiệu quả công việc (KPI). Như vậy, ở những doanh nghiệp này sẽ không có tiền thưởng tết cố định mà phụ thuộc vào doanh thu đạt được cũng như kết quả làm việc của người lao động. 

Để bảo đảm quyền lợi người lao động, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lên phương án tính toán, cân đối lo thưởng Tết Nguyên đán 2025 cho đoàn viên, người lao động, yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng tết trước thời điểm nghỉ tết ít nhất 30 ngày.

Khánh Nguyễn

Báo Lao động và Xã hội số 148

Tin liên quan