Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 520 triệu ca nhiễm COVID-19

Đến 6h ngày 14/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 520.225.345 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.286.134 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 505.193 và 1.441 ca tử vong mới.

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 520.225.345 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.286.134 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 505.193 và 1.441 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 474.862.506 người, 39.076.110 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 39.178 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 67.670 ca; Mỹ đứng thứ hai với 56.072 ca; tiếp theo là Australia (56.015 ca) và Hàn Quốc (51.773 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 181 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 146 ca và Italy 115 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.122.451 người, trong đó có 1.026.255 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.117.836 ca nhiễm, bao gồm 524.190 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.664.739 ca bệnh và 664.780 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 194 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,83 triệu ca nhiễm.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, bộ Nhập cư và Dân số Myanmar cho biết, nước này sẽ tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho khách du lịch bắt đầu từ ngày 15/5 tới, hơn 2 năm sau khi đình chỉ do đại dịch COVID-19. Động thái này diễn ra sau khi Myanmar nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế hôm 17/4 vừa qua và mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế.

Trước đó, ngày 1/4, nước này đã tiếp nhận trở lại các hồ sơ xin cấp thị thực điện tử dành cho doanh nhân.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vào ngày 13/5 đưa tin, nước này ghi nhận 6 trường hợp tử vong do COVID-19, chỉ một ngày sau khi công bố ca nhiễm đầu tiên do biến thể Omicron và triển khai hệ thống "khẩn cấp cao nhất" để kiểm soát dịch bệnh. Theo KCNA, chỉ riêng trong ngày 12/5, Triều Tiên ghi nhận khoảng 18.000 người có triệu chứng sốt. Tính đến thời điểm hiện tại, có tới hơn 350.000 người có triệu chứng sốt.

Indonesia đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Đây là thông báo mới của ông Muhadjir Effendy, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển con người Indonesia. Trong một tuyên bố bằng văn bản, quan chức Indonesia nêu rõ, hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Indonesia. Kết quả khảo sát nội bộ tại 18 bệnh viện ở Jakarta cho thấy, COVID-19 chỉ đứng thứ 14 về số ca tử vong.

Indonesia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. (Ảnh: AP)

Indonesia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. (Ảnh: AP)

 

Bộ Y tế Malaysia cho biết, thuốc được sử dụng cho người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, có cân nặng ít nhất 40 kg. Loại thuốc này cũng dành cho các cá nhân không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc cho những người được khuyến cáo không được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới chức Y tế Malaysia nêu rõ, việc sử dụng thuốc tiêm phải dựa trên các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành và sản phẩm không được sử dụng để thay thế cho tiêm chủng vaccine COVID-19.

Ngày 13/5, Bộ Y tế Malaysia đã cập nhật quy định liên quan đến mũi tiêm vaccine tăng cường thứ hai phòng COVID-19 nhằm ngăn chặn biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong đối với những trường hợp suy giảm miễn dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Khairy Jamaluddin cho biết, tất cả các trường hợp cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) cũng như thanh thiếu niên có bệnh mãn tính có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai sau mũi tăng cường thứ nhất từ 4 - 6 tháng. Các bệnh mãn tính được đề cập trong trường hợp này liên quan đến tim, phổi, thận và gan. Tuy nhiên, những đối tượng khác ngoài nhóm người cao tuổi muốn đăng ký tiêm phải được tư vấn trước của nhân viên y tế. Bộ trưởng Khairy cũng nhấn mạnh, mũi tiêm tăng cường thứ hai không bắt buộc và hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện.

Thủ đô bangkok của Thái Lan đang thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh trước khi các trường học khai giảng năm học mới vào ngày 17/5 tới. Mục tiêu là tất cả học sinh từ 12-17 tuổi phải được tiêm ít nhất 3 liều khi trường học mở cửa., đồng thời kêu gọi phụ huynh có con từ 5-11 tuổi đưa trẻ tới các đơn vị tiêm chủng tại các trường học. Mục tiêu của Thái Lan là có thể tiêm cho ít nhất 60% trẻ từ 5-11 tuổi vào cuối tháng 5 này.

Các chuyên gia Thái Lan khẳng định, tiêm vaccine là cần thiết để giữ an toàn cho trẻ trước virus, giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong do COVID-19.