Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới trên 338 triệu ca

Đến 6 giờ sáng 20/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 338.369.256 ca, trong đó có 5.579.889 người tử vong do đại dịch này.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 338.369.256 ca, trong đó có 5.579.889 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Hiện nay, biến thể Omicron đang là biến thể chiếm đa số ca mắc tại các điểm dịch nóng của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 500.000 ca), Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 400.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 272.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/1, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao đang xem xét việc cho phép các trường tiểu học và trung học cơ sở tại thủ đô Vientiane mở cửa trở lại để học sinh của một số khối lớp được học trực tiếp sau nhiều tháng học trực tuyến. Trước khi mở cửa trở lại, tất cả các trường học phải đảm bảo tuân thủ trên 70% trong số 10 quy định và 40 khuyến nghị phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Những trường học không đáp ứng các tiêu chí đề ra sẽ phải tiếp tục cải thiện trước khi được phép mở cửa trở lại. Nhằm chuẩn bị cho việc mở lại trường học, Chính phủ Lào đã yêu cầu các cơ quan y tế triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trên 12 tuổi. Chính phủ nước này cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để đảm bảo mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất 80% dân số vào cuối năm 2022.

Philippines thông báo ghi nhận ít nhất 2 trường hợp đầu tiên tử vong do nhiễm biến thể Omicron trong khi có thêm 492 ca nhiễm biến thể này. Trong số các ca nhiễm mới biến thể Omicron có 332 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 160 ca là người Philippines trở về từ nước ngoài. Philippines ngày 19/1 đã ghi nhận 22.958 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á lên gần 3,3 triệu người. Hiện Chính phủ Philippines đang áp đặt nhiều biện pháp mới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và duy trì tỷ lệ nhập viện ở mức thấp. Nhằm ứng phó với biến thể Omicron, Bộ Y tế Philippines đã rút ngắn thời gian chờ để tiêm mũi tăng cường, thúc đẩy tiêm chủng cho trẻ em và rút ngắn thời gian cách ly với những nhân viên y tế tiêm chủng đầy đủ không triệu chứng cũng như tiến hành xét nghiệm theo mục tiêu.

Chính phủ Nhật Bản hôm qua đã quyết định áp đặt tình trạng bán khẩn cấp ở Tokyo và 12 khu vực khác, do sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 mới. Tình trạng bán khẩn cấp có hiệu lực từ ngày mai 21/1 đến ngày 13/2. Theo đó, thống đốc Tokyo và 12 địa phương khác có quyền yêu cầu các nhà hàng, quán bar đóng cửa sớm và ngừng hoặc hạn chế phục vụ đồ uống có cồn.

Số ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua ở Nhật Bản là hơn 41 nghìn ca. Giới chức Nhật Bản lo ngại tốc độ gia tăng số ca nhiễm COVID-19 có thể làm quá tải hệ thống y tế, đẩy những người cao tuổi và người có bệnh nền vào tình trạng hiểm nghèo.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Guwahati, bang Assam, Ấn Độ, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Guwahati, bang Assam, Ấn Độ, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

 

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 8 tháng qua, với 282.970 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 37,9 triệu ca, cao thứ hai sau Mỹ. Số ca tử vong trong ngày cũng lên tới 441 ca, mức cao nhất trong ngày kể từ đầu năm 2022 đến nay. Dù tỷ lệ lây nhiễm đã giảm thời gian gần đây ở những thành thị lớn, song các chuyên gia nhận định đỉnh dịch có thể đạt vào giữa tháng sau và tác động của đợt lây nhiễm này sẽ chỉ được xác định rõ trong 2 đến 3 tuần sau đó. Khoảng 70% trong số 939 triệu dân số trưởng thành ở Ấn Độ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản và chiến dịch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao đang được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người ở Ấn Độ đang chờ được tiêm mũi đầu tiên.

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 464.000 ca, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng tại quốc gia châu Âu này. Tính trung bình trong tuần qua, Pháp có hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Đức cũng đã ghi nhận 112.323 ca mắc mới và 239 ca tử vong, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch, Đức ghi nhận trên 100.000 ca mới trong một ngày. Hiện Đức đã siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc giới hạn hoạt động của các quán bar và nhà hàng, chỉ có phép những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh được tới những địa điểm này. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cảnh báo, làn sóng lây nhiễm với biến thể mới Omicron ở nước này sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, đồng thời kêu gọi nhanh chóng áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc để đẩy lùi làn sóng dịch tiếp theo.

Lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em ở Mỹ. (Nguồn: CBSNews)

Lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em ở Mỹ. (Nguồn: CBSNews)

 

Tại châu Mỹ, Mexico và Brazil đều ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất. Mexico ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 49.343 trường hợp. Ngoài ra, Mexico cũng có thêm 320 trường hợp tử vong do COVID-19 - mức tử vong theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Mexico đã có tổng cộng 4.434.758 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 301.789 ca tử vong.

Brazil ghi nhận 137.103 ca mắc mới và 351 ca tử vong - mức thống kê theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Tính đến thời điểm này, Brazil đã ghi nhận 23.211.894 trường hợp mắc bệnh, với 621.517 ca tử vong. Số ca lây nhiễm tăng đột biến tại Brazil kể từ đầu năm nay do sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như các lễ hội nhân dịp Giáng sinh và Năm mới. Hiện gần 70% dân số Brazil đã được tiêm chủng đầy đủ. Các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi cũng sẽ được triển khai trong tuần này.

Tại Mỹ, gần 9,5 triệu trẻ em đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt "tăng đột biến" trên cả nước thời gian gần đây. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), gần 1 triệu trường hợp trẻ em mắc COVID-19 được báo cáo trong tuần kết thúc vào ngày 13/1 vừa qua, tăng 69% so với 580.000 ca ghi nhận tuần trước đó và tăng gấp 3 lần con số của hai tuần trước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch COVID-19 mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào. Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể Omicron vốn lây lan nhanh kể từ tháng 11/2021. Hiện đang có luồng ý kiến cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước, song dường như ít gây bệnh nặng. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu COVID-19 có đang ở thời điểm chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu - mà con người có thể chung sống với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, WHO nêu rõ số ca mắc mới tăng mạnh đồng nghĩa với việc nhiều người vẫn còn mắc bệnh nặng và nguy kịch.