Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên trên 320 triệu ca

Đến 6 giờ sáng 14/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 320.391.977 ca, trong đó có 5.537.882 người tử vong.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 320.391.977 ca, trong đó có 5.537.882 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 64,78 triệu ca mắc và hơn 868.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 421.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Một mô hình dự báo của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ sẽ đạt đỉnh vào tuần tới. Mô hình này dự báo, số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày tại Mỹ sẽ đạt mức đỉnh là 1,2 triệu ca vào ngày 19/1, sau đó sẽ giảm mạnh "đơn giản vì khi đó tất cả những người có thể nhiễm đã nhiễm". Lý do dịch bệnh giảm có thể là vì biến thể Omicron lây lan mạnh đến mức hết người lây nhiễm tại Mỹ chỉ trong 1,5 tháng kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.

Đối mặt với sự lây lan mạnh của Omicron, nhiều người tiêu dùng Mỹ đang tích trữ một số mặt hàng thiết yếu. Hiện chưa rõ khi nào tình trạng khan hiếm hàng hóa mới chấm dứt. Hiện Mỹ đang ghi nhận trung bình 760.000 ca COVID-19 mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/1, nước này ghi nhận tổng cộng gần 253.500 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, tổng cộng trên 36,57 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 485.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 620.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết, trong 24 giờ đồng hồ, thế giới đã ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc mới COVID-19. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu dịch COVID-19, số ca mới ghi nhận hàng ngày trên toàn cầu vượt mốc 3 triệu trường hợp. Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới trên toàn thế giới trong thời gian gần đây được xác định là do biến thể Omicron. Theo WHO, biến thể này hiện đã có mặt tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhiều nước đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

Nhiều nước đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục do biến thể Omicron. (Ảnh: AP)

 

Tại Anh, giáo sư thống kê ứng dụng Kevin McConway cho biết, dịch COVID-19 có thể đã đạt đỉnh tại thủ đô London. Tại Nam Phi, làn sóng lây nhiễm cũng đã đạt đỉnh chỉ trong một tháng và sau đó giảm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh, số bệnh nhân và bệnh viện đang quá tải vẫn sẽ mất nhiều tuần và nhiều tháng nữa để giải quyết.

Ngày 13/1, với 249 phiếu thuận và 63 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã phê chuẩn các biện pháp mới về phòng chống dịch COVID-19 do Chính phủ nước này đề xuất, trong đó có dự luật về thẻ vaccine. Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vaccine để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên.

Pháp đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 5 liên quan đến COVID-19. Đến nay, Pháp đã ghi nhận tổng cộng hơn 12,93 triệu ca mắc và 126.305 người thiệt mạng do COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach ngày 13/1 thừa nhận, nước này sẽ khó đạt mục tiêu đến cuối tháng 1 này có ít nhất 80% dân số tiêm chủng ngừa COVID-19. Cuối năm 2021, Chính phủ Đức đặt mục tiêu vào cuối tháng 1/2022 sẽ tiêm chủng được cho ít nhất 80% dân số nước này. Tuy nhiên, phát biểu với trang tin The Pioneer, Bộ trưởng Lauterbach cho biết khó đạt được mục tiêu này. Tính tới ngày 12/1, mới chỉ có 62,2 triệu người dân Đức tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, tương đương 74,8% dân số. Giai đoạn vừa qua Đức có nhiều ngày nghỉ lễ khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh.

Đức tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao kỷ lục trong 24 giờ qua. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 93.154 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch tới nay. Số ca tử vong tăng 261 ca. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày đã tăng lên 427,1/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 285,9 một tuần trước đó.

Tỉnh Quebec của Canada đang lên kế hoạch đánh thuế đối với những người trưởng thành từ chối tiêm vaccine COVID-19 vì những lý do không phải là y tế. Tỉnh trưởng Quebec cho biết, thuế này là hậu quả mà những người không tiêm vaccine phải chịu do tạo gánh nặng lớn lên hệ thống y tế. Hiện Quebec đang tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số ca nhập viện vì COVID-19. Những người chưa tiêm vaccine chỉ chiếm 10% dân số của tỉnh nhưng chiếm một nửa số người phải điều trị tích cực vì COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn đang tấn công nước này. Báo cáo cập nhật vào ngày 13/1 của Bộ Y tế Australia cho biết, nước này đã ghi nhận 150.702 ca mắc mới COVID-19. Cũng trong 24 giờ qua, có 57 người không qua khỏi ở Australia.

Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 190 ca lây nhiễm mới trong ngày 13/1. (Ảnh: AP)

Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 190 ca lây nhiễm mới trong ngày 13/1. (Ảnh: AP)

 

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế Campuchia đang xem xét khả năng áp dụng quy định tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 để miễn cách ly đối với người nhập cảnh. Quy định này nhằm đảm bảo thành công của chiến dịch miễn dịch cộng đồng tại Campuchia.

Báo Khmer Times của Campuchia dẫn lời người phát ngôn của Bộ Y tế nước này Hok Kimcheng cho biết, Bộ này đang tính toán áp dụng thêm điều kiện miễn cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh từ các nước khác vào Campuchia, theo đó mọi trường hợp nhập cảnh đều phải tiêm mũi tăng cường sau thời gian tối đa 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Philippines đã công bố chính sách "không tiêm chủng, không đi xe" ở vùng đô thị Manila, nơi đang áp dụng mức cảnh báo 3 hoặc có thể cao hơn khi số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến. Chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/1. Hành khách chưa được tiêm vaccine COVID-19 sẽ không được sử dụng giao thông công cộng ở khu vực thủ đô. Chính sách này áp dụng cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng đến, đi và di chuyển trong Vùng đô thị Manila.

Người điều hành phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả đường bộ, đường hàng không và đường biển, "chỉ cho phép tiếp cận hoặc cấp vé cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ".

Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh ở các đô thị lớn và những khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Ngày 12/1, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày trong hơn 4 tháng qua, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Omicron. Ngày 13/1, Nhật Bản ghi nhận 12.243 ca mắc COVID-19 mới

Tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố phát hiện hơn 2.000 ca nhiễm mới, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó và tăng gần gấp 5 lần so với một tuần trước. Trong khi đó, tỉnh Osaka, nơi có thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, cũng ghi nhận thêm hơn 1.700 ca nhiễm mới, tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Tại các tỉnh Okinawa và Yamaguchi, nơi có những căn cứ quân sự của Mỹ, số ca nhiễm mới cũng tăng mạnh.

Ngày 13/1, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 thêm một bậc, lên mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 mức. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2021, cảnh báo dịch ở thủ đô Tokyo ở mức cao thứ hai. Chính quyền Tokyo dự kiến, tốc độ lây nhiễm hiện nay sẽ đẩy số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày lên 9.500 người/ngày so với mức hơn 1.100 vào ngày 12/1, vốn đã tăng hơn 847% so với một tuần trước đó.

Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại Đại Liên, thành phố cảng với 7 triệu dân lớn thứ hai ở nước này. Bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi trở về từ trường đại học ở gần thành phố Thiên Tân, nơi ghi nhận ít nhất 137 ca nhiễm Omicron tính đến ngày 12/1. Đại Liên cũng ghi nhận ca thứ hai dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng chưa rõ biến thể.

Trong 24 giờ qua, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 190 ca lây nhiễm mới.