Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP. HCM: Trong 2 giờ, thông tin trẻ bị xâm hại phải được xác thực

(Dân sinh) - Đó là Quyết định của UBND TP.HCM ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn.

Ngày 8/6, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 2017/QĐ-UBND ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn.

TP. HCM: Trong 2 giờ, thông tin trẻ bị xâm hại phải được xác thực - Ảnh 1.

Trong 2 giờ, thông tin trẻ bị xâm hại phải được xác thực (Ảnh minh họa)

Quyết định nêu rõ,  mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho UBND/Công an xã, phường, thị trấn khi phát hiện hoặc có thông tin về trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Trong vòng 02 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Mọi thông tin liên quan đến trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục đều phải bảo mật. Kết quả trưng cầu giám định, khám giám định chỉ được cung cấp đối với cơ quan công an, cơ quan cảnh sát điều tra để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục phải đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi trẻ bị xâm hại.

Chỉ thị nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em;

TP. HCM: Trong 2 giờ, thông tin trẻ bị xâm hại phải được xác thực - Ảnh 2.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em

Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em;

Triển khai chính sách, giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học…