Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020

(Dân sinh) - Việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được HĐND TP.HCM thông qua theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 10 tháng năm 2020, thành phố có 33.499 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 769.550 tỷ đồng.Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 5,92% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, nhưng chiếm đến 55,92% tổng vốn đăng ký. Lũy kế đến hết tháng 10/2020, thành phố có 440.284 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký 6.931.854 tỷ đồng.

Trong 10 tháng qua, thành phố đã có 28.993 doanh nghiệp ngừng hoạt động; có 4.649 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,5%; có 12.236 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 42,11%; nhưng có 7.113 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 18,96% so với cùng kỳ 2019.

Cũng trong10 tháng năm 2020, thu ngân sách thành phố đạt khoảng 290.783 tỷ đồng, chỉ bằng 71,65% so với dự toán và chỉ bằng 87,17% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến cả năm sẽ chỉ thu ngân sách đạt khoảng 355.813 tỷ đồng, chỉ bằng 87,7% so với dự toán và có thể chỉ bằng 86,73% so với năm 2019.

Trước tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận về điều kiện, điều khoản của trái phiếu chính quyền địa phương tại Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 để TP được vay trong nước theo phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Cụ thể, chủ thể phát hành trái phiếu là UBND TP; UBND TP ủy quyền cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP thực hiện toàn bộ nghiệp vụ tổ chức phát hành trái phiếu. Khối lượng phát hành dự kiến là 2.000 tỷ đồng, đảm bảo không vượt tổng hạn mức vay theo quy định.

TP.HCM dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 - Ảnh 1.

Việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Các kỳ hạn trái phiếu dự kiến là 15 năm, 20 năm và 30 năm. Cơ cấu cụ thể của từng loại kỳ hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành. Hình thức phát hành trái phiếu dự kiến được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Mệnh giá trái phiếu dự kiến 100.000 đồng.

Về phương thức phát hành dự kiến là đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành; phương thức phát hành cụ thể của từng đợt sẽ được xác định phù hợp theo tình hình thực tế và nhu cầu thị trường. Thời gian phát hành dự kiến tập trung 1 đợt vào tháng 12/2020.

Theo UBNDTP, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương do UBNDTP phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được HĐNDTP thông qua theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước. Đây là trái phiếu nghĩa vụ chung, được phát hành để bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển của địa phương.

Nguồn hoàn trả trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách TP. Việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước theo nguyên tắc đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản TP.HCM tăng nóng trong 8 tháng đầu năm 2020, nhưng từ 1/9/2020 đã bắt đầu được kiểm soát chặt chẽ:

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 đã có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3% và chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân chiếm đến hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu.

Để tăng cường công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kể từ ngày 1/9/2020, Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực, quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành, nên lượng trái phiếu tháng 9/2020 giảm đến 84% so với tháng 8/2020. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu.