Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Tuyến Metro số 2 lùi thời gian hoàn thành tới năm 2030

(Dân sinh) - Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại TP.HCM sẽ lại lùi thời gian hoàn thành tới năm 2030 do vướng mắc về nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố (MAUR) cho biết, đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường cho dự án  tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). 

Cụ thể, tiến độ ban hành quyết định bồi thường đã đạt 99,67%, tương ứng 584/586 trường hợp, giảm 17 trường hợp do không đủ điều kiện để lập phương án bồi thường tại quận Tân Bình. Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 83,45% (489/586 trường hợp).

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, MAUR kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo Thanh tra Thành phố và Sở TN&MT khẩn trương tham mưu giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của quận 3. 

Sơ đồ định tuyến Thông tin Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Sơ đồ định tuyến Thông tin Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Đáng chú ý, sau khi MAUR trình xin ý kiến đồng thuận của các nhà tài trợ dự án về tiến độ hoàn thành tuyến metro số 2 đến năm 2030 (chưa bao gồm 2 năm thông báo sửa chữa khiếm khuyết của nhà thầu/thời gian bảo hành), phía Ngân hàng KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức) đã có thư cơ bản đồng thuận với tiến độ tổng thể cập nhật của dự án. Như vậy, tuyến metro số 2 sẽ tiếp tục lùi thời gian hoàn thành thêm 4 năm so với mốc 2026 theo dự kiến trước đó.

Theo lý giải của MAUR, giai đoạn trước, công tác giải phóng mặt bằng ì ạch dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Đồng thời, nguồn vốn cũng là 1 trong những nút thắt cản trở tuyến metro số 2 về đích đúng hẹn. 

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019. Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cùng hai Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ cho dự án gần 37.500 tỷ đồng, còn lại hơn 10.400 tỷ đồng là vốn đối ứng từ phía Việt Nam. 

Metro số 2 trước đó ký hai khoản vay với KfW, tổng trị giá 313 triệu USD, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện. Hai khoản vay này hết hiệu lực cuối năm 2020, nhưng chưa được gia hạn dẫn đến dự án chưa được bố trí vốn trung hạn ODA cấp phát 2021 - 2025.