Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.Hồ Chí Minh: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

(Dân sinh) - Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động giai đoạn 2021-2025, hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, hợp tác lao động nước ngoài.

Ngày 18/12, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và định hướng công tác năm 2021 lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động.

Trong năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động 141.832 người học sau tốt nghiệp các trình độ, trong đó có 50.699 là sinh viên học sinh nữ và 1.198 là người dân tộc thiểu số. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường sức lao động của TP.

TP.HCM: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, hợp tác lao động nước ngoài - Ảnh 1.

TP.HCM hướng đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, năm 2021 các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phấn đấu thực hiện tuyển mới 371.000 người học ở các trình độ; tổ chức đào tạo cho 5.800 lao động nông thôn; phấn đấu tỉ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 85,65%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP tăng cường đổi mới tuyên truyền giới thiệu thế mạnh các ngành nghề đào tạo, hình thức tuyển sinh, các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp.

Ông Lê Minh Tấn đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy trực tiếp, trực tuyến. Đồng thời, hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, hợp tác lao động nước ngoài bằng hình thức chuyển giao công nghệ, tiếp nhận công nghệ, để khi về nước có thể tiếp tục làm việc, góp công, góp sức xây dựng TP.