Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trà Vinh: Dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo

(Dân sinh) - Chuyên đề Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động với các hoạt động thuộc dự án 2 "Phát triển thị trường lao động và việc làm" trong năm 2020 đã tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn nói chung, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc Khmer nói riêng của tỉnh Trà Vinh có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, tăng thêm thu nhập, vươn lên giảm nghèo.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh đã ký kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức hàng chục lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc Khmer. Tất cả chị em phụ nữ này đều được học miễn phí và được hỗ trợ tiền ăn là 780.000 đồng/người/ 1 khóa học 2 tháng, sau khóa học có việc làm ngay với mức lương cơ bản từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng/người. Nhờ đó mà nhiều chị em phụ nữ rất yên tâm theo các lớp học nghề ngày một đông và sau đó rất gắn bó với công việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Trà Vinh: Dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo - Ảnh 1.

Nghề đan đát giúp cho chị em phụ nữ nghèo nông thôn có thêm thu nhập.

Điển hình như tại huyện Tiểu Cần, từ khi Công ty TNHH giày da Mỹ Phong, Nhà máy Chế biến cá tra, Xí nghiệp tơ xơ dừa Rạch Lợp và một số cơ sở sản xuất khác đi vào hoạt động, đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó lao động nữ chiến số đông. Tuy nhiên, ngoài số lao động nữ trẻ đã có việc làm tại các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thì ở địa phương cũng còn khá đông chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 35 - 45, sau thời vụ sản xuất nông nghiệp (lúc nông nhàn) rất cần có việc làm thêm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Thấy được nhu cầu thiết thực này của chị em phụ nữ trung niên ở nông thôn, Hội Phụ nữ các xã đã tranh thủ sự hỗ tợ của các ngành, các cấp để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm thêm cho chị em. Những nghề mà chị em theo học chủ yếu là những nghề đơn giản dễ học, nhưng rất thiết thực có việc làm và thu nhập ngay như: Đan giỏ mây, kết hạt cườm, đan giỏ ô - vanl, đan dây nhựa trên khung sắt (làm bàn ghế)…Sau một thời gian ngắn học nghề chị em đã có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống chính bằng nghề mình đã học. Điển hình như Hội Phụ nữ ấp Đại Nong, xã Phú Cần với sự đầu tư của hội cấp trên kết hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiểu Cần những năm qua đã mở nhiều lớp dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ở địa phương.

Tại huyện Cầu Ngang, những năm qua Hội LHPN xã Vĩnh Kim đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ ở các ấp trong xã thuộc hộ nghèo. Nhận thấy mô hình đan đát có hiệu quả và thu hút nhiều lao động nữ học nghề để có cơ hội về việc làm, tăng thu nhập nên Hội LHPN xả Vĩnh Kim đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh tăng cường mở thêm nhiều lớp dạy nghề đan đát cho lao động phụ nữ ở địa phương.

Sau khi được tham gia các lớp dạy nghề, nhiều tổ đan đát đã hình thành, hiện toàn xã có 9/10 ấp có tổ đan đát. Nhiều phụ nữ cho biết, từ khi được học nghề và tham gia vào các tổ đan đát thu nhập của họ được tăng thêm, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Đây là một nghề mà công việc không đòi hỏi nhiều công sức, phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi. Ngoài được học nghề, một số chị em còn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình khác nhau, nhưng chủ yếu là nghề đan đát.

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Kim, trước khi có mô hình đan đát, số phụ nữ thuộc diện hộ nghèo chiếm khoảng 300 hộ, nhờ có nhiều mô hình hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, trong đó có mô hình đan đát nên số chị em thoát nghèo mỗi năm một tăng. Có thể dạy nghề đan đát là một trong những mô hình đem lại hiệu quả rất thiết thực, tạo được nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ ở nông thôn Trà Vinh nói chung, ở xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang nói riêng.