Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trần Thế Trung vô địch Olympia năm thứ 19

Bứt phá trong phần Về đích, Trần Thế Trung (Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) giành 245 điểm, trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19.

Chung kết Olympia năm thứ 19 diễn ra tại trường quay S14, Đài truyền hình Việt Nam, Hà Nội, lúc 8h sáng 15/9. Bốn thí sinh tham gia là Trần Thế Trung (Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Nguyễn Hải Đăng (Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa), Nguyễn Bá Vinh (Trung học phổ thông Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ) và Đoàn Nam Thắng (Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk).

Kết thúc phần Khởi động, Trần Thế Trung dẫn đầu với 100 điểm, Nguyễn Bá Vinh 80, Đoàn Nam Thắng và Nguyễn Hải Đăng cùng 50 điểm. Sau phần thứ hai Vượt chướng ngại vật, Nguyễn Hải Đăng vươn lên với 120 điểm, Trần Thế Trung với 110, Nguyễn Bá Vinh 90 và Đoàn Nam Thắng 60 điểm.

Trần Thế Trung vô địch Olympia năm thứ 19 - Ảnh 1.

Tới phần Tăng tốc, Nguyễn Hải Đăng dẫn đầu với 220 điểm, Trần Thế Trung 200, Đoàn Nam Thắng 180 và Nguyễn Bá Vinh 150 điểm. Phần thi Về đích, Trần Thế Trung giành 245 điểm, Nguyễn Hải Đăng bị trừ điểm do trả lời sai, còn 210; Đoàn Nam Thắng 200 và Nguyễn Bá Vinh 120 điểm.

Trần Thế Trung bị trừ 15 điểm sau khi trả lời sai câu hỏi tiếng Anh trong gói của Hải Đăng. Số điểm em có trước khi bước vào ba câu cuối cùng là 215, đồng dẫn đầu cũng Hải Đăng, khiến trận đấu trở nên kịch tính.

Nhận được tình cảm từ cổ động viên quê nhà qua bài hát "Đường đến vinh quang", Thế Trung chia sẻ cảm thấy hạnh phúc. Em bước lên bục và chọn gói câu hỏi 40 điểm - gói em chưa chọn lần nào ở các cuộc thi trước. Câu hỏi đầu tiên về loại thuốc quen thuốc chữa tiêu chảy - berberin không làm khó Thế Trung. Em có thêm 10 điểm.

Bước vào câu hỏi thứ hai về đường điện Việt Nam, Thế Trung không trả lời đúng. Hải Đăng bấm chuông xin đưa ra đáp án nhưng không thành công. Điều này giúp Trung giữ nguyên được điểm số. Câu hỏi cuối cùng với giá trị 20 điểm về năm sinh của Lương Thế Vinh, Trung nhanh chóng đưa ra câu trả lời trong tràng pháo tay của cổ động viên. Cả trường quay vỡ òa khi Thế trung trả lời đúng.

Khán giả xúc động khi biết Trung muốn giành chiến thắng này cho người chị đã khuất. Bốn Thí sinh ôm nhau khóc, nhiều cổ động viên cũng ôm mặt khóc nức nở. Kết thúc, Thế Trung vô địch Olympia 19 với 245 điểm, Hải Đăng là á quân với 210, Nam Thắng 200 và Bá Vinh 120 điểm.

Nguyễn Hải Đăng (Khánh Hòa) là thí sinh thứ ba thi Về đích. Hiện em có 205 điểm, tạm thời giữ vị trí thứ ba, sau Nam Thắng và Thế Trung 230 điểm. Tại điểm cầu Khánh Hòa, cổ động viên đã làm một ngọn hải đăng và vòng nguyệt quế từ những vật liệu tái chế, hứa dành tặng Hải Đăng khi em trở về sau cuộc thi.

Cũng như hai thí sinh trước, Hải Đăng dành những lời cảm ơn đến mọi người đã giúp đỡ để em có thể đi đến vòng này. Lựa chọn gói câu hỏi 60 điểm với câu đầu tiên về bài thơ "Sao chiến thắng" của nhà thơ Chế Lan Viên. Hải Đăng đã đưa ra câu trả lời đúng là "Tổ quốc", giành thêm 10 điểm.

Ở câu hỏi hóa học thứ hai, Hải Đăng trả lời sai nhưng không bị mất điểm vì thí sinh Nam Thắng nhấn chuông nhưng không đưa ra đáp án đúng. Hải Đăng không lựa chọn Ngôi sao hy vọng cho câu hỏi cuối cùng bằng tiếng Anh và trả lời sai, Thế Trung nhấn chuông nhưng không trả lời đúng, bị trừ 15 điểm còn 215.

Kết thúc phần thi Về đích, Hải Đăng và Thế Trung đang cùng có 215 điểm, đứng vị trí đầu tiên.

Trước khi bước vào phần Về đích của mình, Trần Nam Thắng còn 170 điểm vì đã bị trừ 10 điểm do trả lời sai một câu trong gói câu hỏi của Bá Vinh. Dù đứng thứ ba đoàn leo núi, Nam Thắng vẫn cười tươi khi nhìn thấy các thầy cô ở trường đang nhảy cổ vũ em tại điểm cầu Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trước câu chúc của thầy chủ nhiệm và bố, Thắng như được tiếp thêm năng lượng để sẵn sàng Về đích. Gửi lời cảm ơn và tình yêu thương tới mọi người, Nam Thắng thể hiện quyết tâm khi chọn gói 80 điểm và Ngôi sao hy vọng ở ngay câu hỏi đầu tiên. Câu hỏi được trích trong bài ký "Đề danh tiến sĩ năm Nhâm Tuất" cùng ngôi sao hy vọng giúp Thắng ghi thêm 40 điểm.

Câu hỏi thứ hai thuộc lĩnh vực Lịch sử, Nam Thắng không đưa ra được câu trả lời đúng. Tuy nhiên, em vẫn bảo toàn số điểm do không thí sinh nào giành quyền trả lời.

Kết thúc phần Về đích của Nam Thắng là câu hỏi Toán bằng tiếng Anh. Sau thời gian suy nghĩ, Thắng vẫn không đưa ra được đáp án. Thế Trung bấm chuông xin trả lời nhưng do mất bình tĩnh, em đã nói nhầm và không được công nhận trả lời đúng.

Kế thúc phần Về đích, Nam Thắng có 210 điểm, vươn lên vị trí thứ hai.

Sau phần thi dành cho cổ động viên ở bốn điểm cầu và tiết muc văn nghệ khuấy động trường quay, các thí sinh bước vào phần thi Về đích.

Nguyễn Bá Vinh (Cần Thơ), thí sinh tạm thời có điểm số thấp nhất, bước vào phần thi Về đích đầu tiên. Tại công viên Lưu Hữu Phước (Cần Thơ), bố mẹ em gửi đến con lời chúc tự tin, bình tĩnh và hứa dẫn em đi ăn sushi khi trở về nhà. Cổ động viên tin tưởng về một sự bứt phá ngoạn mục của Bá Vinh như em đã làm trong cuộc thi quý III.

Trước khi bắt đầu cuộc thi, Bá Vinh không kìm được nước mắt, gửi lời cảm ơn đến bố mẹ, bạn bè, thầy cô và tất cả mọi người đã dành cho mình sự ủng hộ dù trời Cần Thơ mưa không ngớt, đồng thời xin lỗi vì đã thể hiện không tốt trong ba phần thi trước.

Với 150 điểm đang có, Bá Vinh lựa chọn gói câu hỏi 80 điểm. Câu 20 điểm đầu tiên hỏi về nguyên tắc luyện quặng thành gang trong lò cao, Bá Vinh không đưa ra được câu trả lời, sau đó Nam Thắng nhấn chuông nhưng cũng không đưa ra được đáp án.

Câu hỏi tứ hai về lĩnh vực toán học, Bá Vinh đưa ra câu trả lời sai nhưng không bị mất điểm do không có thí sinh nào giành quyền trả lời. Em lựa chọn Ngôi sao hy vọng tại câu hỏi cuối cùng về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của đất nước Hàn Quốc, được đưa ra từ nhóm phóng viên Olympia.

Không đưa ra được câu trả lời, Bá Vinh bị Thế Trung giành 30 điểm từ quỹ điểm của mình nhờ đáp án "Lý Long Tường". Kết thúc phần thi Về đích, Bá Vinh không đưa ra được câu trả lời đúng nào, có 120 điểm.

Sang phần thi Tăng tốc, câu hỏi đầu tiên yêu cầu các thí sinh giải một đoạn mật mã dựa vào gợi ý có sẵn. Cả bốn đều đưa ra câu trả lời đúng là "APOLLO". Nam Thắng trả lời nhanh nhất, giành 40 điểm, sau đó là Hải Đăng, Bá Vinh và Thế Trung lần lượt giành 30, 20 và 10 điểm.

Câu hỏi thứ hai yêu cầu thí sinh đưa ra đáp án cho câu "Đây là năm nào?" sau đoạn video hình ảnh kéo dài 30 giây. Cùng có câu trả lời là năm 1969, Thế Trung đạt 40 điểm nhờ trả lời nhanh nhất, Nam Thắng có thêm 30 điểm, Hải Đăng 20 và Bá Vinh 10.

Với câu hỏi số ba là "Những việc nào cần làm nhằm phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm sau mùa mưa bão?", chỉ có hai thí sinh là Nam Thắng và Hải Đăng trả lời đúng khi lựa chọn năm phương án ABCDF. Nhờ đó, Nam Thắng tiếp tục giành 40 điểm, 30 điểm thuộc về Hải Đăng.

Cơ hội Tăng tốc cuối cùng tiếp tục là một câu hỏi hình ảnh. Lần này, đàn bầu là loại nhạc cụ được nhắc đến. Thế Trung trả lời ngay ở giây thứ 3 và giành thêm 40 điểm trong sự ngưỡng mộ của khán giả trong trường quay, Bá Vinh 30, Hải Đăng 20 và Nam Thắng 10 điểm. Kết thúc phần thi Tăng tốc, Hải Đăng dẫn đầu với 220 điểm, Thế Trung 200, Nam Thắng 180 và Bá Vinh 150 điểm.

Bốn thí sinh bước vào phần thi Vượt chướng ngại vật, cùng giải mã từ khóa với 10 ký tự. Bá Vinh là người chọn từ hàng ngang đầu tiên. Với đáp án là "Thềm lục địa", cả bốn nhận được thêm 10 điểm. Một góc hình ảnh gợi ý được lật mở, nhưng không ai bấm chuông xin trả lời từ khoá cuối cùng. Nam Thắng chọn thêm một từ hàng ngang.

MC vừa đọc câu hỏi, chưa thí sinh nào đưa ra câu trả lời thì Bá Vinh bấm chuông xin đưa ra từ khóa chướng ngại vật. Câu trả lời của em là "Nhà giàn DK7". Sau một chút, Hải Đăng cũng bấm chuông trả lời đáp án là "Nhà giàn DK1".

Những tưởng Bá Vinh - học sinh chuyên Địa sẽ chính xác nhưng Hải Đăng mới là người giành thêm 60 điểm. Từ vị trí cuối cùng, Hải Đăng vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi với 120 điểm, Thế Trung xếp thứ hai với 110, Bá Vinh 90 và Nam Thắng 60 điểm.

Trần Thế Trung khởi động cuối cùng. Chủ nhiệm của câu lạc bộ Đường lên đỉnh Olympia tại trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tỏ ra sẵn sàng và hào hứng. Trả lời rất nhanh các câu hỏi ngay cả khi MC mới chỉ đọc được hai từ, Thế Trung nhận được tràng pháo tay lớn từ khán giả sau khi trả lời đúng 10 câu và đem về 100 điểm. Em là thí sinh hiếm hoi có thể dùng máy tính bỏ túi để tính toán trong phần thi Khởi động (chỉ kéo dài một phút).

Kết thúc phần Khởi động, Thế Trung dẫn đầu với 100 điểm, Bá Vinh 80, Nam Thắng và Hải Đăng 50 điểm.

Sau khi trải qua ba cuộc thi, Hải Đăng chia sẻ được nhiều người nhận ra và quan tâm hơn. Như các cuộc thi trước, nam sinh bước vào phần thi Khởi động với tâm lý khá vui vẻ và thoải mái. Tuy không giành được điểm tại ba câu hỏi đầu tiên, Hải Đăng lấy lại bình tĩnh và liên tiếp trả lời đúng các câu hỏi sau, vượt qua 11 câu và giành 50 điểm.

Đoàn Nam Thắng bước vào phần thi Khởi động. Không cắt tóc từ thi tuần, em hy vọng giữ được may mắn. Khởi động trong tâm thế thoải mái, Nam Thắng cho thấy sự bình tĩnh dù trả lời sai và bỏ qua nhiều câu hỏi liên tiếp. Ghi điểm ở những câu hỏi cuối, em vẫn kịp giành 50 điểm đầu tiên làm hành trang cho các phần thi tiếp theo.

Là người đầu tiên tham gia phần thi Khởi động, Bá Vinh thường đưa ra câu trả lời trước khi MC Diệp Chi đọc xong câu hỏi. Trả lời 11/12 câu, em đúng 8 câu và giành 80 điểm làm hành trang cho các phần thi sau.

Là người đứng ở vị trí thứ ba trong đoàn leo núi, Nguyễn Hải Đăng (Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa) được bạn bè nhận xét là mít ướt, dễ xúc động nhưng bên trong lại là "một người vô cùng nguy hiểm". Nam sinh ấp ủ nhiều dự án và chiến dịch bảo vệ môi trường, như: thu gom vỏ bút bi, thường cùng bạn bè nhặt rác tại bãi biển Nha Trang.

Điểm cầu tại bãi biển Nha Trang (Khánh Hòa) tràn ngập không khí vui tươi của tiết mục đồng diễn dựa theo nền nhạc. Cùng với đó, thông điệp bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi và hạn chế đồ nhựa dùng một lần được học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn lan tỏa và gửi đến mọi người.

Trần Thế Trung (Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) vào chung kết nhờ chiến thắng ở quý I với 240 điểm. Đây là lần thứ ba Chuyên Phan Bội Châu có thí sinh đi đến trận cuối cùng. Trong video giới thiệu bản thân, Trung chia sẻ để có sức khỏe học tập, em luyện tập thể thao mỗi ngày, đồng thời ca hát để có bộ óc sáng tạo, tinh thần thoải mái. Em cũng thường xuyên tham gia các câu lạc bộ của trường và tự nhận là "học sinh chăm chỉ của Chuyên Phan Bội Châu".

Tại Nghệ An, hơn 5.000 cổ động viên gồm lãnh đạo tỉnh, giáo viên, học sinh và người dân đã có mặt từ 5h sáng để cổ vũ cho Thế Trung. Trong sắc áo đỏ sao vàng, mọi người cùng hát vang ca khúc Việt Nam ơi cùng một điệu hò để tiếp thêm sức mạnh cho "Trung 3T" (Trung Tất Thắng).

Tại mỗi điểm cầu Cần Thơ, Đăk Lăk, KhánhHòa, Nghệ An đều có những tiết mục cổ vũ, tiếp sức cho thí sinh ở trường quay S14, Đài truyền hình Việt Nam, Hà Nội. Cá nhân mỗi thí sinh cũng giới thiệu về mình.

Là người thi đấu đầu tiên, Nguyễn Bá Vinh Trung học phổ thông Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ) sau khi đọc một đoạn thơ về thành phố Cần Thơ, đã giới thiệu về thành phố thủ phủ miền Tây. Bố mẹ đều là thợ may, mở thêm một cửa hàng bách hóa nhỏ, Bá Vinh hiểu cố gắng họctập là cách tốt nhất để báo hiếu nên đã quyết tâm thi đỗ vào Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, ngôi trường danh giá bậc nhất Tây đô.

Tại công viên Lưu Hữu Phước (thành phố Cần Thơ), 3.000 bạn bè và người thân của Bá Vinh có mặt từ 6h sáng, cùng trình diễn khúc hát truyền thống của người miền Tây thay lời chào gửi tới trường quay S14, chúc Bá Vinh tự tin và giành chiến thắng.

Đoàn Nam Thắng (Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du, Đăk Lăk) thi đấu ở vị trí thứ hai. Trong video giới thiệu về quê hương, Nam Thắng cùng bạn đọc một đoạn rap khiến nhiều khán giả trong trường quay thích thú.

Tại điểm cầu đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, các cổ động viên chuẩn bị tiết mục giới thiệu Nam Thắng thông qua bài hát Chú voi con ở Bản Đôn. Một chú voi tượng trưng cho quân tượng trên bàn cờ tướng - môn thể thao Nam Thắng yêu thích, đã được chuẩn bị. Chú voi lần lượt vượt qua các quân xe, pháo để chiếu tướng. Qua màn biểu diễn này, cổ động viên Đăk Lăk hy vọng "Thắng thần thái, Thắng thông thái" sẽ băng băng về đích.

Mở đầu chương trình, các ca sĩ Hồng Ngọc, Thu Thủy, Đông Hùng thể hiện bài hái truyền thống Đường lên đỉnh núi của chương trình, mang đến một không khí sôi động. Được sáng tác bởi cố nhạc sĩ Hoàng Vân, đây là bài hát đã gắn bó với chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 19 năm.

Bốn thí sinh bước ra sân khấu. Sau khi bốc thăm, vị trí thi đấu lần lượt là Nguyễn Bá Vinh, Đoàn Nam Thắng, Nguyễn Hải Đăng và Trần Thế Trung.

Một góc trường quay phủ sắc cam màu áo của hội thí sinh thi Olympia năm thứ 19. Từ Thái Nguyên xuống Hà Nội từ sáng qua và đến trường quay lúc 7h, Nguyễn Hằng Thu (trường Trung học phổ thông Lương Phú, Thái Nguyên) cầm điện thoại quay lại không khí. Là thí sinh Olympia tuần 2, tháng 2, quý I, Thu mong muốn bốn bạn sẽ thi đấu hết mình, tạo ra một trận đấu hay, kịch tính và "dù kết quả thế nào thì cả bốn cũng là nhà vô địch trong lòng chúng em".

Nam Thắng và Hải Đăng chia sẻ tâm lý tốt hơn ở cuộc thi tuần và thi quý, thậm chí đạt 100% độ ổn định tinh thần. Trong khi đó, Thế Trung và Bá Vinh cho biết có chút run nhưng cũng không căng thẳng. Tất cả thí sinh mong muốn trả lời được càng nhiều càng tốt và biến trận chung kết Olympia hôm nay thành kỷ niệm đáng nhớ.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2019 diễn ra lúc 8h tại trường quay S14 Đài truyền hình Việt Nam, Hà Nội. Vượt qua 140 đối thủ ở các cuộc thi tuần, quý, tháng, bốn thí sinh tranh tài gồm: Trần Thế Trung (Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), Nguyễn Hải Đăng (Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa), Nguyễn Bá Vinh (Trung học phổ thông Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ) và Đoàn Nam Thắng (Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du, Đăk Lăk).

Trần Thế Trung vô địch Olympia năm thứ 19 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh.

Bốn thí sinh tập trung ở khu vực sân khấu, cùng thể hiện điệu "múa quạt" và một đoạn vũ đạo trong ca khúc nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến từ sớm, vào trường quay động viên các thí sinh. Ông cùng bốn thí sinh chụp ảnh lưu niệm ở giữa sân khấu.