Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

(Dân sinh) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn.

Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn.

Sáng 19/3 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới; ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đối thoại, thống nhất và đồng hành để phát triển kinh tế xanh, bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

“Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, Bộ trưởng khẳng định.

 Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đồng tâm, hiệp lực, kiên định triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Theo đồng chủ trì Diễn đàn, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tại COP26. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường.

Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo, lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này (khoảng 184 tỷ USD) cần đến từ khu vực tư nhân.

“Để huy động được thì chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn”, ông Thomas Jacobs đề xuất.

Bên cạnh đó, cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này. Đồng thời trên thị trường vốn, cần có các mô hình huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc phù hợp để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.

Ngoài ra, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn nữa trong thị trường carbon. Đây là thị trường mang tính tự nguyện nhưng sau này, bắt buộc chúng ta bảo đảm được môi trường đó phát triển mạnh mẽ và có được nền kinh tế xanh hơn trong việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận hàng hóa tốt hơn.

"Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam”, Giám đốc Quốc gia IFC lưu ý.

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này

Tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng xanh cũng là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.

Để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược và quan điểm.

Theo đó, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. "Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân", Thủ tướng nói.

Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. 

Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.

Thủ tướng chào mừng các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023

Thủ tướng chào mừng các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023

Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải  pháp trước mắt". Điều quan trọng là các bên giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu cấu trúc hài hòa này bị phá vỡ thì hợp tác không thể bền vững. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan.Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).

Cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng (thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công…).

Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước (đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý; bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…). Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tuỵ, thân thiện, giải quyết dứt điểm các công việc, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Sớm có chính sách phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, ông cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.

"Tôi mong rằng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm đối thoại, không có gì ngăn cản được chúng ta hợp tác trên tinh thần cùng thắng", Thủ tướng nhấn mạnh.