Được phát động từ tháng 6/2020, cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" hướng tới học sinh các trường mang tên thầy giáo Chu Văn An trên cả nước và các trường học khác trên địa bàn Hà Nội, đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh đến từ hơn 30 trường học, lớp sáng tác.
Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp... Trong đó, nhiều tác phẩm được thực hiện công phu, thể hiện tình cảm, sự hiểu biết của bản thân đối với người thầy lỗi lạc của đất nước.
Từ các tác phẩm dự thi, Ban giám khảo cuộc thi "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An" đã chọn 472 tác phẩm vào vòng chung khảo, tổ chức chấm và xét giải cho 77 cá nhân có tác phẩm dự thi xuất sắc nhất ở 6 loại hình sáng tác, gồm: Tranh vẽ, bài viết, truyện tranh, kể chuyện, kịch và các sáng tác khác. Trong đó có 6 giải Nhất; 11 giải Nhì; 16 giải Ba; 39 giải Khuyến khích và 5 giải Chuyên đề. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 6 giải tập thể cho các trường có số lượng bài dự thi cao, đạt chất lượng tốt.
Tại sự kiện, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học, Học viên Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Nhuệ, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết: Nhiều tác phẩm thực sự gây xúc động. Từ góc nhìn của các em học sinh, danh nhân Chu Văn An hiện ra thực sự sống động, một người thầy tài cao, đức trọng nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, yêu thương. Qua đó, thấy được sự công phu, tâm huyết của các trường và các em học sinh.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, cuộc thi đã vượt ra khỏi tính chất cuộc thi tìm hiểu mang tính phong trào, thực sự trở thành một sân chơi sáng tạo, lành mạnh, khơi gợi niềm yêu thích môn lịch sử, tìm hiểu danh nhân. Qua đó khích lệ niềm tự hào về truyền thống hiếu học, thúc đẩy các em noi sáng của các bậc tiền nhân say mê học tập, tự rèn luyện vươn lên trong học tập.
6 giải Nhất đã thuộc về em Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Chu Văn An (Nam Định) với bức tranh "Truyền thuyết thầy Chu Văn An và học trò thủy thần"; Nhóm tác giả trường THCS Chu Văn An quận Long Biên, Hà Nội với tập san bài viết "Người thầy của muôn đời"; Nhóm học sinh lớp 3A4 trường Tiểu học Chu Văn An (Quảng Bình) với truyện tranh "Tưởng nhớ về thầy Chu Văn An"; Nhóm tác giả khối 8 trường THCS Chu Văn An huyện Thanh Trì, Hà Nội với bộ phim hoạt hình "Thầy Chu Văn An-Sao khuê đất Việt"; em Trần Huyền My, học sinh lớp 4A2 trường Tiểu học Chu Văn An tỉnh Quảng Bình với tác phẩm kể chuyện "Tiết tháo của thầy Chu Văn An"; nhóm học sinh trường THCS Chu Văn An thành phố Nam Định với vở kịch "Chu Văn An, thầy giáo của muôn đời".