Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trên 90% người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các mô hình đào tạo nghề đang thu hút được số lượng lớn lao động tham gia học nghề để có việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho trên 90% người lao động sau khi học nghề.

Hoạt động thí điểm các mô hình dạy nghề gắn với việc làm đã có hiệu quả và đang được nhân rộng. Các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển công tác đào tạo nghề; đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các nghề như: Đan ghế nhựa trên khung sắt, đan giỏ từ cọng lục bình, may công nghiệp... được xem là những mô hình hiệu quả vì người lao động tận dụng được thời gian nhàn rỗi để nhận nguyên liệu về gia công tại hộ gia đình, góp phần tăng thêm thu nhập.

Đan ghế ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam.

Đan ghế ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam.

Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận đặc thù của mỗi địa phương mà có mô hình phát triển kinh tế khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, vùng nguyên liệu, tập quán sinh sống của người dân, trình độ và việc phát triển kinh tế của địa phương để lựa chọn mô hình tốt nhất cho địa phương mình.

Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh và đào  tạo nhằm cung ứng lao động phục vụ hoạt động khôi phục sản xuất của doanh  nghiệp, đào tạo lại, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn,  lao động mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Ước đến 31/12/2022,  tuyển sinh và đào tạo 11.000 người, gồm: Trình độ cao đẳng 817 người, trung  cấp 1.420 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 8.763 người (trong đó  đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.172 người, đạt chỉ tiêu kế hoạch).  Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,22% (KH là 64%),  trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34,57% (KH là 33,5%).

Năm 2023, toàn tỉnh dự kiến tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 11.000 người, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.500 người.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra còn một số hạng chế như: Nguồn kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động hàng năm phân bổ chậm, do đó ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo và số lượng người học để mở lớp do người lao động đăng ký tham gia học nghề chờ đợi lâu nên đã chuyển qua công tác khác. Dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn trong tuyển sinh và kinh phí phân bổ. Mở lớp phụ thuộc nhiều vào thời vụ của nông dân, tình hình giá cả nông sản trên thị trường (như heo, bò, dê,... ?có thời điểm bị mất giá) nên khai giảng không đúng như dự kiến (về thời gian cũng như ngành nghề đào tạo).