Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung Quốc phát hiện virus mới lây từ chuột chù sang người, chưa có thuốc điều trị

Một loại virus mới có nguồn gốc từ động vật có thể lây nhiễm sang người đã được tìm thấy ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, miền Trung Trung Quốc với ít nhất 35 trường hợp được phát hiện.

Báo Công an Nhân dân đưa tin, trang Global Times của Trung Quốc cho biết, thông tin trên được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM) bởi nhóm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Singapore.

Cụ thể, một loại virus Henipavirus mới đã được tìm thấy trong dịch họng của bệnh nhân có triệu chứng sốt ở miền Đông Trung Quốc và từng có tiền sử tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây. 

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Loại virus được xác định là Langya henipavirus (LayV). Virus Henipavirus mới được phát hiện này có thể đến từ động vật, lây sang con người và gây sốt cùng với các triệu chứng khác như mệt mỏi, ho, chán ăn, đau cơ và buồn nôn.

Hiện, 26 trong số 35 trường hợp nhiễm virus LayV ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam đã xuất hiện các triệu chứng trên. Hơn 1/3 số bệnh nhân nhiễm virus bị suy gan và 8% bệnh nhân bị suy thận. Đáng chú ý, các bệnh nhân không tiếp xúc gần với nhau. 

Nghiên cứu nhấn mạnh LayV thuộc họ Paramyxoviridae của virus RNA sợi âm, có thể gây ra bệnh chết người.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, Henipavirus là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh truyền nhiễm lây từ động vật ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó hai loại virus Hendra (HeV) và Nipah (NiV) thuộc chi này đều có thể lây nhiễm sang người. Dơi ăn quả được cho là vật chủ tự nhiên của hai loại virus này. 

Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc chủng ngừa hoặc điều trị cho Henipavirus và phương pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các biến chứng. WHO khuyến cáo cách ly các trường hợp nhiễm virus này các sớm càng tốt để kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhận định về virus này, Giáo sư Wang Lifa thuộc Viện Y học Đại học Quốc gia Singapore ngày 8/8 cho biết: “Loại virus này cùng chi với NiV, song đến nay các ca bệnh này không gây tử vong hoặc rất nghiêm trọng. Vì vậy, nên cảnh giác với loại virus mới này nhưng không nên hoảng sợ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cẩn thận vì trong tự nhiên có nhiều loại virus tương tự, nếu có một loại virus khác truyền sang con người, tình hình có thể sẽ khác".

Thông tin trên báo Tin Tức cho hay, virus Langya thuộc họ Henipavirus, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho động vật ở châu Á - Thái Bình Dương. Loại virus này có cùng họ với virus Hendra (HeV) và virus Nipah (NiV) - cả hai đều có khả năng lây nhiễm sang người. Phân bộ dơi lớn là vật chủ tự nhiên của cả hai loại virus. Trong đó, virus Nipah lây lan qua các giọt đường hô hấp giống như COVID-19 nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì có tỷ lệ tử vong chiếm tới 3/4 ca mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê Nipah có nhiều khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.

Theo WHO, Henipavirus có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người và được phân loại là virus an toàn sinh học cấp độ 4, với tỷ lệ tử vong từ 40 - 75%. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy virus Langya ở 71 trong số 262 con chuột chù - loài động vật có vú nhỏ giống như chuột chũi ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông. Virus này cũng được phát hiện ở chó (5%) và dê (2%).

Nghiên cứu cho biết, 26 trong số 35 trường hợp nhiễm virus Langya ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như: Sốt, khó chịu, ho, chán ăn, đau cơ, buồn nôn, đau đầu và nôn mửa.

Sau khi theo dõi các triệu chứng của virus ở bệnh nhân, các nhà nghiên cứu phát hiện triệu chứng phổ biến nhất là sốt, tiếp theo là: Ho (50%), mệt mỏi (54%), chán ăn (50%), đau cơ (46%) và nôn (38%).

Các triệu chứng này có thể tiến triển thành viêm não nặng, tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Viêm não tái phát hoặc khởi phát muộn, xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Một số người cũng gặp triệu chứng hô hấp.

Dù virus Langya xuất phát từ một họ virus có tỷ tử vong cao nhưng cho đến nay chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong và hầu hết đều mắc bệnh nhẹ.