Từ thành phố Vinh chúng tôi về với Truông Bồn vào một ngày nắng đẹp. Con đường 15A lịch sử nay đã được mở rộng, hai bên đường nhà cửa san sát, hàng quán mọc lên nhiều hơn, một nhịp sống phố thị đang dần hiện hữu nơi đây.
Quốc lộ 15A là con đường chủ lực và Truông Bồn là một trong những địa bàn trọng yếu của việc chi viện vũ khí, thuốc men, lương thực, hàng hoá cho tiền tuyến miền Nam. Vì thế máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá ác liệt. Mỗi ngày có hàng chục tấn bom của kẻ thù rải xuống, nhiều hôm làm tắc nghẽn huyết mạch giao thông. Thế nhưng chị em TNXP Truông Bồn đã cùng bà con nhân dân ngày đêm hừng hực san lấp hố bom để nối đường cho xe bộ đội đi qua. 14 chiến sĩ thuộc tiểu đội 2 đại đội 317 vừa làm nhiệm vụ trực chiến vừa cùng đơn vị bám đường san lấp hố bom. Nhiều hôm chị em phải thức trắng đêm để rải bẹ chuối trắng chỉ đường và mặc trên mình chiếc áo màu trắng để làm cọc tiêu sống chỉ đường cho những đoàn xe đi qua.
Sau nhiều trận mưa bom nã xuống, băm nát tuyến đường, nhiều mạch giao thông quan trọng bị đứt. Đến 4 giờ sáng 31/10/1968, tiểu đội 2 do chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng, đã nhận được lệnh: "Bằng mọi giá phải mở đường máu" để cho đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng. Nhận được lệnh, chị em TNXP quyết tâm hết sức khẩn trương mở đường. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc đã sắp hoàn thành theo kế hoạch thì bất ngờ máy bay Mỹ ầm ào lao tới, trút xuống một lúc 238 quả bom, nhấn Truông Bồn chìm trong biển trời khói lửa. Ngớt bom, cả đại đội 317 và nhân dân Mỹ Sơn - Đô Lương oà lên tìm người. Trong ngổn ngang bom đạn và đất đá, đồng đội nỗ lực tìm kiếm nhưng 11 cô gái và hai chàng trai đã vĩnh viễn ra đi, trong đó 7 người không tìm được thi thể.
Trước đêm cuối cùng, có 8 người được xét nghỉ, một số người còn nhận được giấy báo nhập học các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, có người chuẩn bị về quê làm đám cưới.
Trước ngày chị Thông gia nhập đại đội 317- TNXP Nghệ An (18/5/1965), chị và anh Phan Tiến Bảy (em ruột của Anh hùng Phan Tư) đã yêu nhau và hẹn ước: "Ngày giải phóng quê hương sẽ trở về làm đám cưới". Vào chiến trường chưa được bao lâu, chị nhận tin anh Bảy hy sinh. Trận bom ác liệt ngày 31/10/1968 khiến chị Thông bị thương. Năm 1969, chị được đơn vị cho về Vinh học nghề may. Chị ở trọ trong nhà ông Đèo (ở phường Đông Vĩnh, TP Vinh hiện nay). Các con của ông bà Đèo đều đi bộ đội, nên ông bà rất yêu quý chị Thông. Anh Lê Hải Diên (con trai ông Đèo là quân y thuộc Sư đoàn 308, ở chiến trường Quảng Trị) trong lần về phép thăm cha bị ốm và đã gặp chị Thông. Sau cuộc gặp gỡ đó, hai người yêu nhau. Năm 1970 anh chị tổ chức đám cưới.
Chiến tranh qua đi đã lâu, nhưng mỗi lần nhắc lại những thời khắc ấy, chị Thông vẫn không nguôi thương nhớ. Ngày ấy, với vai trò chị cả, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông đã gần gũi, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của 13 anh chị em trong đội.
13 TNXP đã ra đi mãi mãi trong cái ngày định mệnh ấy. Bao nhiêu dự định còn dở dang, bao nhiêu ước mơ chưa thành hiện thực. Chị Nguyễn Thị Tâm, anh Cao Ngọc Hòa sắp thành vợ thành chồng; các chị Hoàng Thị Nhung, Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên đã nhận được giấy báo chuẩn bị lên đường nhập học... 13 liệt sĩ chỉ tìm được thi thể của 6 người, 7 người còn lại đã hòa vào đất mẹ Truông Bồn. Tất cả nằm chung trong một ngôi mộ, trên một tấm bia chung…
Truông Bồn đã trở thành chứng tích huyền thoại bất tử, biểu tượng hào hùng, bi tráng của TNXP trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia.
Ngày 23/8/2008, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An, trong đó 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh.
Ngày nay Truông Bồn đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh. Hằng năm đón hàng trăm đoàn du khách trong và nước ngoài về thăm. Là địa chỉ đỏ du lịch nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.