Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyên Quang có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tuyên Quang, mảnh đất có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm. Chính những nét đặc trưng của văn hóa đã tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục bằng sáp ong của người Mông Hoa tại Tuyên Quang.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục bằng sáp ong của người Mông Hoa tại Tuyên Quang.

Thông tin được báo nhandan.vn cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Lồng tông dân tộc Tày; Lễ cấp sắc dân tộc Dao; Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La; Hát then dân tộc Tày; Hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu; Hát sình ca dân tộc Cao Lan; Lễ hội Đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương; kéo co truyền thống tỉnh Tuyên Quang; nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình; Hát Páo dung dân tộc Dao; Lễ Đại Phan của người Sán Dìu và nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tuyên Quang đều đóng góp những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu vào kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Việt Nam. Góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Với 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, việc gìn giữ các giá trị di sản văn hoá được tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Ảnh: TL

Với 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, việc gìn giữ các giá trị di sản văn hoá được tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Ảnh: TL

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng, đóng góp GRDP từ 6% trở lên, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.

Liên quan đến thông tin trên, trước đó, như laodong.vn cho biết: Quyết định số 1842 và 1846 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã công nhận Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện: Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang, Yên Sơn và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Người Mông ở Tuyên Quang sống chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Màu sắc trên trang phục của phụ nữ Mông được phân biệt với 3 nhóm chủ yếu là Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen. 

Hát then của dân tộc Tày tại Tuyên Quang.

Hát then của dân tộc Tày tại Tuyên Quang.

Đặc biệt, trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ cùng với kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải rất cầu kỳ.

Trong khi đó, dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang có trên 15.000 người chủ yếu tập trung ở các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam (huyện Sơn Dương). Đại Phan là một lễ hội quan trọng của người Sán Dìu để cầu mong cho dân làng được an yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xua đuổi tà ma. 

Đây cũng là 1 nghi lễ chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mĩ và là nét văn hóa độc đáo của người Sán Dìu cần được lưu giữ, bảo tồn, phát huy.