Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 30/5/2022 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025:  Ít nhất 50% số lượng người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; trên 30% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thu hút ít nhất 70% người cao tuổi trên địa bàn tham gia; Ít nhất 80% xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng;  phấn đấu 50% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa.

Hằng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang trao quà của Chủ tịch nước và tỉnh cho cụ Nguyễn Thị Kim, 100 tuổi, tại TP Tuyên Quang nhân dịp Tết Nhâm Dần

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang trao quà của Chủ tịch nước và tỉnh cho cụ Nguyễn Thị Kim, 100 tuổi, tại TP Tuyên Quang nhân dịp Tết Nhâm Dần

Tỉnh cũng phấn đấu 100% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.

Đến năm 2030, it nhất 60% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 90% số xã, phường, thị trấn có loại hình câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi; thu hút 70% người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao; ít nhất 20% người cao tuổi tham gia văn hoá, văn nghệ; phấn đấu trên 70% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thu hút ít nhất 80% người cao tuổi trên địa bàn tham gia.

Phấn đấu ít nhất 95% số xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 95% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Hàng năm, khoảng 90% số lượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau, 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng.

Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND tỉnh đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: (1) Trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; (2) Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi; (3) Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; Thực hiện giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho người cao tuổi, ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; (4) Trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; (5) Phát huy vai trò người cao tuổi, khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo; (6) Trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; (7) Trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; (8) Phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi; (9) Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi; (10) Tăng cường truyền thông về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số; (11) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; (12) Hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực giúp UBND tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch; chủ động phối hợp với các ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức điều tra, thống kê nắm chắc số lượng người cao tuổi trên địa bàn. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các chính sách trợ giúp và phát huy vai trò của người cao tuổi theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng; xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc người cao tuổi theo chỉ đạo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam theo quy định. Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng.