Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật mới về bảo hiểm xã hội

Ngày 18-10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đến đại diện người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác lao động, tiền lương, BHXH của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Nội dung được đại diện các doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị đó là những thay đổi về chính sách tiền lương.

Với nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho biết, theo quy định của Luật BHXH, lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1-1-2022 trở đi, có mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2021 thì mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong thời gian 19 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%. Lao động nam cần 35 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. 

Quy định về lương hưu đối với lao động nữ đã thay đổi trước đó. Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021 trở đi, thì mức lương hưu được tính tương ứng với số năm đóng BHXH. Lương hưu hằng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. 

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp theo quy định, không bao gồm các chế độ phúc lợi (tiền thưởng sáng kiến, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại…).