Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Về Hồng Ngài - quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Hồng Ngài là xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La), nổi tiếng là bối cảnh truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài viết năm 1952.

Nơi đây, đồng bào Mông định cư lâu đời trên những dải núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nằm ẩn mình giữa khung cảnh rừng núi hoang vu, Hồng Ngài hôm nay không còn khung cảnh nghèo đói trước đây, mà đã trở nên sầm uất với những cửa hàng tạp hóa, điểm thương mại dịch vụ mọc lên san sát; trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, nhà văn hóa... đều được xây dựng kiên cố, khang trang, đẹp đẽ.

Vẻ đẹp hoang sơ núi rừng Tây Bắc

Nằm hun hút trong núi rừng Tây Bắc, lặng lẽ một khoảng trời riêng, Hồng Ngài như cô gái miền sơn cước mang vẻ đẹp chân chất, dịu hiền của người vùng cao. Trên con đường mòn vào thăm bản làng, du khách như lạc vào tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài…

Vẻ đẹp hoang sơ của Hồng Ngài.

Vẻ đẹp hoang sơ của Hồng Ngài.

Cũng như bao bản làng khác trên dải đất hình chữ S từ Bắc đến Nam, Hồng Ngài mang trong mình một câu chuyện riêng. Tương truyền, trước kia người dân tộc làm rẫy, làm nương sống hòa bình và hạnh phúc. Bỗng một ngày gió rét ùa về, khiến nương rẫy đóng băng. Những căn nhà tranh vách nứa không thể chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt. Rất nhiều người trong bản đã chết vì đói, rét. Tiếng kêu cứu thấu tận trời xanh. Giàng (Trời) liền phái thần Hồng Ngài xuống giúp đỡ, dạy nhân dân xây nhà trình tường bằng đất đỏ vững chãi để chống rét (Hồng Ngài hiện vẫn còn 71 ngôi nhà trình tường). Khi cuộc sống của người dân dần ổn định cũng là lúc thần Hồng Ngài phải bay về trời. Để tưởng nhớ công ơn to lớn, người dân đã đặt tên bản theo tên vị thần là bản Hồng Ngài.     

Như nhiều vùng cao khác, đồng bào Mông vẫn canh tác trên các thửa ruộng bậc thang xung quanh nhà. Ruộng bậc thang mùa lúa chín vẽ ra bức tranh vàng rực cùng với không khí vui tươi của bà con khi được mùa. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người Mông khi họ vẫn giữ nguyên nét truyền thống, hoang sơ vốn có. Những con đường quanh co, uốn lượn men theo sườn núi từ bản này sang bản khác như đưa du khách lạc vào câu chuyện của ngày xưa. Hình ảnh những cô gái Mông gặt lúa, các chàng trai lên rừng kiếm củi... như gợi cho du khách về tiếng sáo Mèo văng vẳng bên tai cùng câu chuyện tình đầy bi thương của A Phủ và Mị trong tác phẩm để đời của nhà văn Tô Hoài.

Đường đến Hồng Ngài ngoằn ngoèo, khúc khuỷu.

Đường đến Hồng Ngài ngoằn ngoèo, khúc khuỷu.

Đến Hồng Ngài vào dịp thu, lúc mùa táo mèo bắt đầu, đi ngang qua các cánh rừng, du khách sẽ cảm nhận được thoang thoảng đâu đó hương táo mèo thơm quyến rũ. Những màn sương sớm giăng khắp núi rừng hòa quyện vào hương táo, bóng hình thiếu nữ Mông thấp thoáng lên nương tạo cho chúng ta một cảm xúc khó quên.

Điểm đến ấn tượng nhất của Hồng Ngài chính là hang A Phủ, được đặt từ sau khi truyện "Vợ chồng A Phủ" trở nên phổ biến rộng rãi, cách trung tâm xã hơn 3km. Theo người dân bản địa, trước đây hang A Phủ có tên Thẳm Cốp. Cửa hang cao, rộng nhìn ra khoảng rừng núi xanh thẳm, hùng vĩ. Hang sâu khoảng 200m với hệ thống nhũ đá đẹp, nhiều hình dạng lạ mắt. Năm 1961, khi quay tác phẩm điện ảnh Vợ chồng A Phủ, các nhà làm phim cũng đã lấy bối cảnh hang A Phủ để đưa lên phim. Ngày nay, hang A Phủ trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo mọi người đến tham quan, khám phá.

Cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc

Ngày nay, các chàng trai, cô gái Mông không còn bị ràng buộc bởi những hủ tục hà khắc như xưa. Tại các phiên chợ tình, trai, gái được tự do yêu đương, hẹn ước cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hang A Phủ.

Hang A Phủ.

Hồng Ngài trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" trước đây là vùng quê nghèo với những căn nhà nhỏ lúp xúp, cheo leo bên sườn núi. Quanh năm, người dân chỉ trồng ngô, đay và lúa nương, chăm chỉ, chịu khó, làm quần quật cả năm cũng chỉ để nộp tô cho quan nha, thống lý. Cây thuốc phiện được trồng khá phổ biến ở thời kỳ đó. Cũng bởi tập quán canh tác lạc hậu nên trải qua nhiều năm, đất đai bạc màu, trên các triền đồi, nương rẫy chỉ còn trơ lại lớp đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó.

Giờ đây cuộc sống ở Hồng Ngài đang khởi sắc với những “thay da đổi thịt” hết sức nhanh chóng. Đó là những ngôi nhà mới xây kiên cố, lợp ngói đỏ tươi, tuyến đường nông thôn được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Từng tốp học sinh theo nhau đi học, tiếng cười, nói trong trẻo vang lên không ngớt... Ông Lường Văn Thì, Cán bộ UBND xã cho biết, Hồng Ngài bây giờ khác lắm rồi. Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện diện tích cây ăn quả của xã có tới hơn 73 ha, diện tích đã cho thu hoạch trên 18 ha. Xã đang vận động người dân chuyển mạnh diện tích nương bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu như nghệ vàng, sa nhân, đinh lăng... Bà con dân tộc rất chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi những kiến thức sản xuất mới để áp dụng vào thực tế, nên cuộc sống không còn khổ cực như trước.

Những ngôi nhà tường trình.

Những ngôi nhà tường trình.

Trong câu chuyện kể của người dân, trước đây khi con đường nhựa chưa về với xã, cuộc sống gần như bị cô lập bởi đường khó đi, cả tháng có khi người dân chỉ xuống huyện một lần, đó là khi chở nông sản đem bán để mua nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Bây giờ đường đi đã thuận lợi hơn rất nhiều, nên nông sản không còn bị ép giá như trước đây.

Bản Hồng Ngài Sơn La thực sự rất khác với những địa danh du lịch khác. Nơi đây không có những điểm check-in sống ảo siêu đẹp; không có những dịch vụ thuê váy dân tộc chụp hình chuyên nghiệp; không có cả những homestay được xây dựng cầu kỳ. Tất cả những gì Hồng Ngài có, đó là khoảng thiên nhiên hoang sơ và ma mị. Tại bản Hồng Ngài, gần khu trung tâm xã đã có 3, 4 gia đình làm dịch vụ du lịch bằng cách xây nhà trình tường đắp đất truyền thống - kiểu kiến trúc độc đáo được lưu truyền bao đời nay. Trải qua hàng trăm năm, nhưng những ngôi nhà này vẫn trường tồn cùng thời gian. Ở đây khách được phục vụ ngủ nghỉ với giá bình dân cùng các món ăn bản địa như: Bánh ngô, rượu táo mèo, cơm lam, gà chạy bộ...

Người dân nơi đây có cả đàn gia súc để phát triển kinh tế.

Người dân nơi đây có cả đàn gia súc để phát triển kinh tế.

Du khách đến Hồng Ngài tham quan ngày một đông, có cả người nước ngoài. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Yên đang phối hợp với chính quyền xã quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để biến khu hang A Phủ và các bản Mông truyền thống trở thành điểm đến tham quan độc đáo, cuốn hút du khách.