Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hàng rong - hiểm họa trước cổng trường

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Gần đây, liên tiếp xảy ra vụ học sinh bị ngộ độc do sử dụng thực phẩm bày bán tại những quầy hàng, hàng rong xung quanh cổng trường.

Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông về mối nguy hại mất an toàn thực phẩm (ATTP) từ những hàng quán trước cổng trường.

Mới đây nhất là 13 học sinh Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) phải nhập viện để theo dõi, điều trị ngộ độc thực phẩm. Các em này đã uống nước ngọt phát miễn phí trước cổng trường.

Hàng rong - hiểm họa trước cổng trường - 1
Thức ăn đường phố rất dễ nhiễm các vi sinh vật do môi trường, khói bụi; tới 70 - 80% được xác định nhiễm khuẩn…

Trước đó, cũng tại Hà Nội, nhiều học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) đau đầu, buồn nôn khi cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài (vỏ kẹo màu xanh, chữ nước ngoài). 

Tại tỉnh Khánh Hòa, một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Trường (TP Nha Trang) tử vong sau khi ăn sáng ở hàng quán ngoài trường học. Đây là một trong 37 học sinh của 2 trường tại phường Vĩnh Trường có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn sáng (sushi, nước ngọt) ngoài cổng trường trước khi vào lớp. 

Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 phút sau ăn, số học sinh này có biểu hiện muốn nôn, sùi bọt mép và được nhà trường đưa đi cấp cứu. Cùng thời điểm này tại TPHCM, sau khi ăn sáng (trong đó có sushi, bánh mì mua trước cổng trường), 15 học sinh của 4 trường tiểu học ở TP Thủ Đức phải nhập viện cấp cứu. Sau khi ăn khoảng 2,5 - 3 giờ, các em lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ tiêu chảy…

Theo ghi nhận tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những quán hàng rong bày bán đồ ăn tràn lan trước cổng trường với màu sắc, hình thức bắt mắt, quảng cáo hấp dẫn, được nhiều học sinh ưa thích. Điểm chung của các thực phẩm này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, đáng ngại là trong đó có không ít đồ ăn chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, trở thành mối nguy hại tới sức khỏe của thế hệ tương lai.

Chị Thanh Mai (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thực sự lo ngại trước “ma trận” thực phẩm đang bày bán tại các cổng trường. Học sinh còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức được vấn đề vệ sinh ATTP mà chỉ cần đẹp, rẻ tiền là đổ xô mua. Tôi đã khuyên và dặn con không được ăn những thực phẩm đó nhưng các bạn nhỏ mua rồi chia nhau ăn nên rất khó quản lý”. 

Lo lắng của chị Mai cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh vì học sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm độc cao nhất do sức đề kháng yếu. Các chuyên gia y tế cho biết, thức ăn đường phố rất dễ nhiễm các vi sinh vật do môi trường, khói bụi. Thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến theo quy định dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu.

Thực phẩm càng có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe càng nghiêm trọng. 

Số liệu từ Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli gây tiêu chảy, bệnh đường ruột... Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc tích cực hơn từ các cơ quan chức năng và quan trọng là của chính những người kinh doanh. Nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm khu vực trường học.

Phụ huynh cần giáo dục trẻ tránh xa hàng rong không đảm bảo vệ sinh, các loại thức ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP; hạn chế cho con em sử dụng đồ ăn vặt, đồ ăn mua rong mà nên chuẩn bị bữa sáng cho con ở nhà hoặc lựa chọn những hàng quán có đủ điều kiện.

Phụ huynh cũng nêu gương bằng cách không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Hòa Cù

Báo Lao động và Xã hội số 122

Tin liên quan