Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Học sinh còn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Quang Dương
Quang Dương

Trong số gần 2.000 trường hợp vi phạm trong tuần đầu tiên đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông lứa tuổi học sinh, có tới gần 1.700 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm.

Thực hiện đợt cao điểm về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh của Cục Cảnh sát giao thông trên toàn quốc, từ ngày 1/10 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn thành phố Hà Nội luôn có mặt tại các tuyến đường gần trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập.

Học sinh còn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông - 1
Lực lượng CSGT thành phố Hà Nội ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông lứa tuổi học sinh (Ảnh: CSGT Hà Nội).

Phòng CSGT (PC08) Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng đội CSGT-TT tại các địa phương đã lập chốt và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chưa có giấy phép lái xe (GPLX) và không đủ điều kiện tham gia giao thông.

Cụ thể từ ngày 1-6/10, trên toàn địa bàn Hà Nội đã xử lý 1.849 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.058 phương tiện các loại. Trong đó vi phạm không đội mũ bảo hiểm là 1.683 trường hợp; Chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện: 332 trường hợp; xử phạt 66 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. CSGT sẽ tiếp tục xác minh, xử lý trong quá trình giải quyết vi phạm.

Theo đại diện phòng CSGT – Công an thành phố Hà Nội, các em học sinh, sinh viên còn chủ quan trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy. Điều này rất nguy hiểm, mũ bảo hiểm là vật dụng quan trọng bảo vệ cơ quan đầu não của con người.

Học sinh còn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông - 2
Nhiều phụ huynh, học sinh còn chủ quan khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (Ảnh: CSGT Hà Nội).

Đại diện phòng CSGT cho biết, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến học sinh.

Trong đó, tập trung vào học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

“Phụ huynh cần nêu gương trong việc chấp hành quy định của luật giao thông và phải có trách nhiệm giáo dục con em mình, nhằm tạo ý thức chấp hành luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc ở lứa tuổi học sinh, sinh viên”, đại diện phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Tin liên quan