Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Nguy hại từ việc trẻ bị bạo lực tinh thần

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian gần đây, những vụ tự tử hay tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra gây hoang mang dư luận.

Các vụ việc ấy có lý do khác nhau, nhưng không loại trừ việc các em đã chịu những tổn thương vô hình, bị bạo lực tinh thần.

Nguy hại từ việc trẻ bị bạo lực tinh thần - 1
Trẻ em bày tỏ những băn khoăn, lo lắng tuổi học sinh.

Ngày 17/10, trên địa bàn huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) xảy ra sự việc 2 nữ sinh bị đuối nước dưới sông Bôi, nghi nhảy cầu tự tử. Trước đó, hồi tháng 5, một sinh viên năm nhất, khoa tiếng Trung của Trường Đại học trên địa bàn Hà Nội rơi từ tầng cao tử vong cũng gây rúng động.

Các nạn nhân đều để lại thư tuyệt mệnh nói nguyên nhân do áp lực học hành, cuộc sống... TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình đáng báo động.

Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là của cả xã hội. Vẫn còn nhiều gia đình dạy con bằng bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện “Phát hiện sớm trẻ bị bạo lực tinh thần”, chuyên gia tâm lý, TS Trần Thu Hương cho rằng, trong tương tác ở gia đình, nhiều khi chính cha mẹ tạo ra bạo lực tinh thần đối với các con.

Đầu tiên có thể bắt nguồn từ kỳ vọng của cha mẹ áp đặt lên con cái, có những sự so sánh “con nhà người ta như thế này, con nhà người ta thì như thế kia”... 

Một hình thức kinh khủng hơn bạo lực tinh thần bằng lời nói, đó là “chiến tranh lạnh”. Đôi khi, việc bố mẹ không nói gì có thể gây ra những đau khổ, tổn thương, ẩn ức ở nạn nhân nhiều hơn.

Đối tượng gây ra bạo lực từ chối giao tiếp với nạn nhân, coi như nạn nhân không tồn tại. Nó tạo ra một bầu “không khí chết” trong tương tác. Các em cảm thấy mình vô dụng, là cái gai ở trong mắt mọi người và sống thu mình lại.

Trong cuộc sống, có những bố mẹ dùng điều đấy để trừng phạt con cái. Một đứa trẻ phải trải qua sự cô lập hay tẩy chay từ ngay bên trong gia đình hay bị cô lập và tẩy chay trong trường học thì hậu quả về tinh thần là khôn lường.

“Những đứa trẻ bị bạo lực tinh thần thường rất tự ti, nhút nhát và hay e ngại tương tác, giao tiếp. Các em kém linh hoạt hoặc những sắc thái cảm xúc trầm buồn, sự tự ti về bản thân mình. Gia đình là chốn an toàn và bình yên nhất đối với mỗi thành viên. Người lớn cần sẵn sàng ở bên các em, lắng nghe, thấu cảm thật sự với các em mà không phán xét. 

Thay vì kỷ luật con bằng cách quát tháo và đánh đập, bố mẹ nên áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực.

Theo đó, bố mẹ cần có sự kết hợp giữa sự kiên định và mềm mỏng dựa trên các nguyên tắc được thiết lập giữa cha mẹ và con cái sao cho phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, để trẻ có thể học cách hợp tác linh hoạt và tinh thần kỷ luật tích cực mà không bị tổn thương lòng tự trọng.

Bố mẹ nên lắng nghe con nhiều hơn, đặt bản thân mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ hơn, không phán xét và áp đặt trẻ, bớt đưa ra các định kiến cá nhân. Thay vì là người đưa ra mọi quyết định trong các vấn đề, cha mẹ sẽ cùng bàn bạc với trẻ để có được sự đồng thuận khi đưa ra quyết định”,  TS Trần Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 131

Tin liên quan