Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Tăng cường phòng, chống bệnh sởi

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi.

Số ca mắc sởi tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2023

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc sởi trên cả nước đã tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi của nhiều địa phương vẫn chưa đạt độ bao phủ cần thiết là 95%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây lan.

Hơn nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi gia tăng gần đây là tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023 khiến nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi, tạo ra lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.

Tăng cường phòng, chống bệnh sởi - 1
Bệnh sởi gia tăng mạnh ở nhiều địa phương.

Tại khu vực phía Nam, từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tại TPHCM đã điều trị hơn 3.000 trường hợp sởi, trong đó 58% đến từ các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam. Đáng lo ngại, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt 6 - 9 tháng tuổi.

Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng (quy định tại thông tư 10/2024/TT-BYT), trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm người lớn và trẻ từ 11 tuổi trở lên.

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, bệnh sởi ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam gia tăng nhanh, tập trung vào nhóm trẻ em 1 - 10 tuổi.

Hơn 50% ca bệnh điều trị tại TPHCM đã gây ra áp lực cho thành phố. Điều này là nguồn tác nhân gây bệnh, khiến tỷ lệ ca mắc sởi tại đây duy trì ở mức ngang, không giảm nhanh như kỳ vọng dù thành phố đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi từ sớm. 

Tại Hà Nội, theo đánh giá của CDC Hà Nội, bệnh sởi cũng có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo thời gian tới có thể ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh, đặc biệt vào 2 tháng cuối năm. 

Bệnh sởi có xu hướng tăng mạnh vào mùa đông - xuân

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, xu hướng diễn biến mạnh vào mùa đông - xuân. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi; lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…

Một ca bệnh có thể lây cho 12 - 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể tử vong.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây và nguy cơ lây lan cao trong trường học. Hiện, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh, chỉ có thể cắt được sự lây truyền khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng trên 95%. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động đưa trẻ em đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng, sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, tập trung đông người.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống

Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm vaccine sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Chủ tịch UBND các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh nhằm xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh.

Đặc biệt, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi;

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.

Duy Anh

Báo Lao động và Xã hội số 139

Tin liên quan
Hiến tặng mô, tạng: Cho đi là còn mãi

Hiến tặng mô, tạng: Cho đi là còn mãi

(LĐXH) - Tại lễ phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi” vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức ngày...
Không chủ quan với bệnh sởi

Không chủ quan với bệnh sởi

Giai đoạn giao mùa Đông - Xuân là thời điểm sởi dễ bùng phát. Khu vực miền Bắc và miền Trung có thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để virus...