Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vốn chính sách “tiếp sức” để người dân phát triển kinh tế

Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Nghị định 74/2019/NĐ-CP là 1 trong 4 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai. Ngay sau khi Trung ương phân bổ nguồn vốn, ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung phân nguồn về cho các phòng giao dịch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dựa trên nhu cầu và đảm bảo đúng quy định.

Chị Phan Thị Ánh, trú tại thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà là 1 trong hơn 90 hộ dân của tham gia vay vốn. Chị Ánh cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, mở mang dịch vụ. Trước nhu cầu muốn sửa sang, làm mới quán cà phê của gia đình, tôi đã vay 80 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Không phải thế chấp tài sản khi vay, thời gian vay tương đối dài và còn được hỗ trợ lãi suất nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Gia đình chị Hà Thị Đào (thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) chuyên nuôi bò thịt cung cấp cho thị trường. Ảnh hưởng đại dịch COVID-19, hơn 2 năm qua tình hình chăn nuôi của gia đình gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, gia đình chị Đào lại tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế. Chị Đào cho biết, gia đình chị  được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Can Lộc giải ngân 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để mở rộng quy mô đàn bò thịt.

 “Vay vốn đợt này, chúng tôi rất phấn khởi vì được hỗ trợ 2% lãi suất (từ 7,92% năm xuống còn 5,92%/năm) kể từ khi vay cho đến thời điểm 31/12/2023. Nguồn vay này giúp gia đình giảm áp lực trong việc trả nợ”- chị Đào chia sẻ.

Gia đình ông Phạm Đức (thôn Đồng Trụ Đông, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) đang sở hữu vườn mẫu với nhiều loại cây trái và ao cá, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế tiềm năng này của gia đình cũng có sự “tiếp sức” của nguồn vốn chính sách. Ông Đức cho hay: “Trước đây, vườn rộng nhưng chủ yếu là cây tạp, không có nguồn thu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Nhà tôi hiện đang vay 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để tiếp tục xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Trong đó, sản phẩm chủ lực vẫn là ổi lê Đài Loan, mang về nguồn thu khá, giúp gia đình có “của ăn của để”, nâng cao chất lượng cuộc sống".

Mô hình nuôi bò thịt của gia đình chị Hà Thị Đào (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Mô hình nuôi bò thịt của gia đình chị Hà Thị Đào (ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Ông Hoàng Ngọc Tuệ - Tổ trưởng tín dụng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạch Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà đã chủ động rà soát, thực hiện các giải pháp hỗ trợ người vay vốn kịp thời trước tác động xấu của đại dịch COVID-19. Cụ thể như: thực hiện giảm 10%/tổng lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách (áp dụng các tháng 10,11,12 năm 2021) theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11/2021 với tổng số tiền miễn giảm trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, đơn vị thực hiện hỗ trợ giảm 2% lãi suất đối với các món vay phát sinh (trừ chương trình nhà ở xã hội) theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ.

Ông Trần Anh Đức - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lộc Hà cho hay: “Một mặt, ngân hàng phối hợp triển khai thực hiện chương trình vay vốn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách. Mặt khác, chúng tôi tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định, tạo nguồn lực cho Nhân dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ...”.

Hiện các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh  đang tập trung rà soát, giải ngân nhanh nguồn vốn giải quyết việc làm, giúp người dân có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế.