Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vụ Nguyễn Thái Luyện Alibaba sẽ xét xử trong 2 tháng

Dự kiến ngày 12/8, TAND TP.HCM sẽ tiến hành xét xử đối với Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ tại Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) cùng các đồng phạm (trong đó có vợ và em trai Luyện) về hai tội “rửa tiền” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 tháng (từ 12/8 đến 12/10). Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trần Minh Châu. Thành phần HĐXX, ngoài Thẩm phán Trần Minh Châu còn có hai thẩm phán dự khuyết, 3 thư ký và 2 Hội thẩm nhân dân; Đại diện VKS gồm bà Lê Thị Đông, ông Phạm Văn Hiền, Châu Hoàng Sơn và 3 kiểm sát viên dự khuyết.

Đây có lẽ là vụ án có bị hại đông nhất trong lịch sử tố tụng, số lượng lên tới 4.316 người và tòa phải làm phụ lục danh sách đính kèm với Quyết định xét xử. Có 23 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo.

 Nguyễn Thái Luyện (áo trắng) cùng đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Nguyễn Thái Luyện (áo trắng) cùng đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội Rửa tiền.

Theo cáo trạng xác định Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Alibaba còn hứa hẹn hấp dẫn với khách hàng như: thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại...

Toàn bộ số tiền, kim loại vàng đã được nhập kho vật chứng để phục vụ xét xử, thi hành án.

Toàn bộ số tiền, kim loại vàng đã được nhập kho vật chứng để phục vụ xét xử, thi hành án.

Tháng 9/2019, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công an triệt phá tập đoàn lừa đảo Alibaba. Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã tạm giữ hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt; 257 miếng kim loại màu vàng có trị giá theo giám định là hơn 645 triệu đồng; 15 miếng kim loại màu vàng có trị giá theo giám định là hơn 359 triệu đồng và 20 thỏi kim loại màu vàng nhưng không phải là vàng.

CSĐT cũng tạm giữ tiền trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba, với số tiền tổng cộng là hơn 45 tỷ đồng; 23 ô tô, xe máy các đối tượng sử dụng, có trị giá theo giám định hơn 16 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kê biên 652 thửa đất với tổng diện tích là hơn 4 triệu m2. Tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất trên là hơn 1.536 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền, kim loại vàng đã được nhập kho vật chứng để phục vụ xét xử, thi hành án.

Điều 174, Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

 

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

 

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này;

 

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

 

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này;

 

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.