Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xây dựng Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững và Thỏa đáng mới để định hướng hợp tác giữa ILO và Việt Nam

Chương trình Hợp tác Quốc gia về Việc làm Bền vững và Thỏa đáng (DWCP) tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đã kết thúc với những thành tựu nổi bật và dự kiến chương trình mới cho giai đoạn năm năm tiếp theo sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối quý I năm 2022.

Ảnh minh họa ILO

Ảnh minh họa ILO

Chương trình DWCP giai đoạn 2017-2021 là khung khổ hợp tác lần thứ ba giữa ILO và các đối tác ba bên (Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động) nhằm giải quyết những thách thức về việc làm thỏa đáng tại Việt Nam.

Chương trình đã đặt ra ba ưu tiên quốc gia là thúc đẩy việc làm bền vững và thỏa đáng, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Những thành tựu nổi bật mà Chương trình DWCP 2017-2021 đạt được gồm có cải tiến trong các chính sách và quy định về việc làm, mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội, củng cố các hệ thống quan hệ lao động và tăng cường khung pháp lý về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Ông Nilim Baruah, Đại diện lâm thời ILO Việt Nam đánh giá : “Trong năm năm qua, những thành tựu này, bao gồm cả việc Việt Nam phê chuẩn bốn Công ước của ILO cùng với những cải cách pháp luật lao động, đã mang lại cơ hội tốt hơn cho nhiều hơn phụ nữ và nam giới ở Việt Nam được tiếp cận với việc làm thỏa đáng."

Ông Nilim Baruah, Đại diện lâm thời ILO Việt Nam, cho biết: “Trong năm năm qua, những thành tựu này, bao gồm cả việc Việt Nam phê chuẩn bốn Công ước của ILO cùng với những cải cách pháp luật lao động, đã mang lại cơ hội tốt hơn cho nhiều hơn phụ nữ và nam giới ở Việt Nam được tiếp cận với việc làm thỏa đáng.”

Chương trình mới đang trong quá trình hoàn thiện 

Hai hội thảo tham vấn quốc gia về xây dựng Chương trình DWCP giai đoạn 2022-2026 đã diễn ra trong tháng 12 năm 2021 bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sự kiện do ILO và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đồng tổ chức. Hội thảo ghi nhận sự tham gia tích cực của đại diện các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, học giả và các đối tác cấp tỉnh đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Chương trình DWCP giai đoạn 2022-2026 là chương trình hợp tác lần thứ tư của Việt Nam và ILO nhằm mở ra thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận việc làm thỏa đáng và hiệu suất cao trong điều kiện tự do, bình đẳng, được đảm bảo an ninh và nhân phẩm tại Việt Nam.

Ba ưu tiên quốc gia mới chú trọng vào tạo việc làm thỏa đáng; mở rộng phạm vi và mức độ đầy đủ của an sinh xã hội; và quản trị thị trường lao động tốt hơn thông qua việc thúc đẩy các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động và đối thoại xã hội.

“Với sự tham gia đóng góp nhiệt tình của các đối tác ba bên để hoàn thiện dự thảo, chúng tôi dự kiến Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững và Thỏa đáng 2022-2026 sẽ được thẩm định, phê duyệt và triển khai vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm 2022,” ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTBXH cho biết.

Hai hội thảo tham vấn đã tạo cơ hội cho ILO và các đối tác ba bên cùng các bên có liên quan tìm ra cách thức tốt nhất để mang lại việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Chương trình DWCP giai đoạn 2022-2026 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam trải qua thời kỳ chuyển đổi quan trọng về kinh tế và xã hội. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2021 – 2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu để Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hiện đang phải đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực của đời sống và của thế giới việc làm. Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đang trong quá trình thông qua một Khung hợp tác Quốc gia về Phát triển Bền vững mới với Chính phủ Việt Nam.