Chi phí logistics cao thách thức hàng Việt
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics chiếm tới 16,8 - 17% GDP, nhiều năm trước đây còn là 18 - 19%.
Đây là mức chi phí logistics tương đối cao so với các nước trong khu vực và châu lục (Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%)… Trung bình chi phí logistics toàn cầu là 10,6%. Đây là một trong những thách thức của hàng Việt.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T kiêm Phó Chủ tịch Vinafruit cho biết, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm 20 - 25% giá trị hàng hóa, trong khi đó các nước như Thái Lan chỉ chiếm 12% hay thế giới 14%. Riêng chi phí logistics cao như vậy khiến chúng ta khó có thể cạnh tranh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU chia sẻ, so sánh với nước bạn trong khu vực là Thái Lan, giá cước vận tải từ Bangkok đến thị trường quốc tế thấp hơn so với từ Hà Nội hay TPHCM ít nhất từ 1 - 2 USD/kg. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong nước lại chưa được đảm bảo.
Hệ thống kho bãi tại Việt Nam còn manh mún, cơ sở chế biến nông sản, chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ còn thiếu khiến chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về nguyên nhân kiến chi phí logistics ở Việt Nam vẫn ở mức cao, TS Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort cho hay, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và có đường bờ biển dài, thuận lợi cho hoạt động logistics.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics kết nối với cảng biển và sân bay lớn. Do vậy, việc hình thành các hành lang vận tải đa phương thức là rất cấp thiết.
Giải pháp nào để giảm chi phí
Nêu nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau.
Như là: trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ. Đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu.
Đánh giá về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cũng thừa nhận ngành logistics còn tồn tại 4 điểm yếu cần khắc phục.
Thứ nhất là chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ.
Thứ hai, thiếu những cảng trung chuyển, gắn liền hệ thống sân bay, trung tâm tài chính. Hiện Việt Nam chỉ mới có các cầu cảng dài 300 - 350m nhưng sau này xuất hiện những cầu cảng dài hàng km nên cần cảng trung chuyển gắn liền khu chế xuất, hệ thống giao thông hiện đại.
Thứ ba, doanh nghiệp ngành logistics mới phát triển còn non trẻ, khả năng cạnh tranh chưa cao. Thứ tư, đầu tư nhân lực cho ngành logistics còn thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu hướng chuyển đổi.
Để giảm chi phí logistics tăng cạnh tranh hàng Việt, theo ông Trung, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch về hạ tầng GTVT để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 142