Bản Cha Khót, xã Na Mèo là bản vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, tiếp giáp với nước bạn Lào. Cả bản có 55 hộ với 220 khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm trên 90%.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, số 4 vừa qua, trên địa bàn xã Na Mèo đã xảy ra mưa lớn kéo dài, sạt lở đất gây thiệt hại và ảnh hưởng đến nhà cửa, hoa màu, các công trình giao thông, thủy lợi… trên địa bàn.
Điều đáng nói, tại đồi phía trên bản Cha Khót phát hiện có vết nứt, sụt kéo dài từ đầu bản đến cuối bản với chiều dài khoảng hơn 300m, chiều rộng có vị trí hơn 0,7m, nhiều điểm sụt lún sâu tới 2m. Đất đồi sụt lún, sạt lở khiến cho cuộc sống của người dân trong bản đảo lộn, bất an.
Chị Hà Thị Xếp (SN 1982) cho biết, gia đình chị vừa vay mượn tiền để hoàn thành ngôi nhà kiên cố để ở, thế nhưng đợt mưa bão vừa qua đất núi sạt lở, gia đình chị cũng như nhiều hộ trong bản phải di dời đến nơi ở tạm để lánh nạn.
Hết đợt mưa lũ, thời tiết khô ráo trở lại, chị cùng chồng và hai đứa con rời khu lán tạm trở về ngôi nhà cũ nhưng luôn sống trong tâm trạng âu lo vì núi có thể sạt bất cứ lúc nào.
“Vừa hoàn thành xong nhà kiên cố để ở, tiền trả nợ chưa xong, đợt mưa bão vừa rồi xung quanh bản sạt lở cũng lo lắm. Huyện, tỉnh mà có chủ trương phải di dời, dù không muốn nhưng cũng phải chấp nhận bởi ở lại thì rất nguy hiểm. Không biết núi sạt khi nào, nhiều lúc ăn không ngon, ngủ không yên, khóc cả đêm…”, chị Xếp chia sẻ.
Có nhà ở ngay cạnh nhà chị Xếp, anh Lò Văn Chiên (SN 1973) cho biết, ngôi nhà sàn được vợ chồng anh xây dựng từ năm 2009, đợt mưa bão vừa qua đất đồi sạt lở đã nứt ngang qua móng nhà. Để đảm bảo an toàn, vợ chồng anh phải đi lánh nạn ở nhà con trai.
“Di chuyển nhà cửa thì chưa được, mà ở lại thì lo lắng bởi không biết lúc nào đất núi sạt lở. Chúng tôi mong Nhà nước, tỉnh, huyện sớm hỗ trợ bà con di dời về nơi ở mới để ổn định cuộc sống…”, anh Chiên nói.
Anh Vi Văn Thấm, Bí thư kiêm Trưởng bản Cha Khót cho biết, khi phát hiện vết nứt và đất đồi sạt lở trong đợt mưa bão vừa qua, người dân trong bản cùng chính quyền địa phương đã lập ngay một khu lán tạm cách bản chừng hơn 1km, đồng thời di chuyển người, tài sản ra lánh nạn.
“Hiện chính quyền địa phương xã Na Mèo, người dân trong bản vẫn thường xuyên theo dõi diễn biến vết nứt, các điểm sạt lở, khi có mưa to sẽ di dời các hộ dân đến ngay khu lánh nạn, đảm bảo an toàn cho bà con.
Trước mắt, mong muốn lớn nhất của người dân bản Cha Khót là sớm được huyện, tỉnh hỗ trợ để di dời về khu tái định cư bởi hộ nào, gia đình nào cũng sống trong tâm trạng bất an.
Về lâu dài, khi đã có khu ở mới, người dân trong bản cũng mong được hỗ trợ con giống, vật nuôi để phát triển kinh tế bởi diện tích rừng của các hộ thì ít mà khu sản xuất, chăn nuôi ở bản cũ thì nằm ngay vị trí sạt lở…”, anh Thấm nói.
Không chỉ bản Cha Khót, xã Na Mèo, ở bản Muỗng, xã Trung Xuân sau đợt mưa bão vừa qua cũng xuất hiện vết nứt chạy dài xuyên qua khu dân cư bản Muỗng và một số hộ rải rác trên địa bàn xã Trung Xuân ở phía tả ngạn sông Lò đã khiến 43 hộ với 179 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn cho biết: “Mong muốn, nguyện vọng của người dân là chính đáng. Cái khó nhất vẫn là quỹ đất, kinh phí thực hiện. UBND huyện cùng các sở, ngành đã tiến hành khảo sát vị trí sạt lở.
Ngày 26/9, huyện Quan Sơn có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị công bố Tình huống khẩn cấp và Lệnh xây dựng khẩn cấp khu tái định cư tập trung cho các hộ dân tại bản Cha Khót và bản Muỗng với tổng kinh phí gần 86 tỷ đồng.
Trong đó, khu tái định cư cho người dân bản Muỗng có tổng kinh phí 38,4 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại bản Phụn, xã Trung Xuân; khu tái định cư cho người dân bản Cha Khót có tổng kinh phí 47,5 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại bản Cha Khót…”.
Ngày 4/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo và sụt lún, nứt đất ở khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân.
Tỉnh cũng giao huyện Quan Sơn triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở; thực hiện sơ tán triệt để các hộ dân đến nơi an toàn, tuyệt đối không để người dân trở lại sinh sống khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là khi có mưa lớn xảy ra.
Bên cạnh đó, xác định các khu tái định cư mới đảm bảo an toàn để có phương án di dời các hộ dân, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư và triển khai thực hiện, đảm bảo ổn định lâu dài cho người dân…
Quách Tuấn
Báo Lao động và Xã hội số 136