Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Theo Bộ Y tế, để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, toàn bộ thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thực hiện trên môi trường mạng (Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Người dân chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc.

Người dân chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc.

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn tồn tại nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào hành vi như: Quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định...

Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.

Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; có biện pháp giám sát hoạt động đa cấp, đặc biệt là những buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty, để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan chủ quản đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua phải có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ, bằng chứng cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.

Cùng với việc đề nghị xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm, để bảo vệ người tiêu dùng, trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2022”, diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5, các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP.

Theo Cục ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2022 có chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Để tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương vừa ban hành kế hoạch ​triển khai "Tháng hành động vì ATTP năm 2022", đồng thời giao các bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố. Bên cạnh 6 đoàn liên ngành Trung ương, các bộ: Y tế, Công Thương Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, công tác quản lý ATTP đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tuy nhiên những vi phạm vẫn xảy ra đối với việc kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều biến động về kinh tế - xã hội. Những yếu tố này tác động lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời tạo ra những xu hướng tiêu dùng thích ứng hơn với tình hình bình thường mới. Cùng với đó, các vụ việc vi phạm quyền của người tiêu dùng gia tăng với nhiều hình thức mới.