Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết

(Dân sinh) - Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận nhiều nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chủ động trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Góp ý cho dự thảo Luật đê điều, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, việc quản lý nhà nước ở các khu vực bãi bồi, cù lao, bãi sông rất khó khăn, bất cập, thậm chí buông lỏng nên có nhiều vi phạm xảy ra chưa được xử lý nghiêm do liên quan đến các luật khác, do e ngại, nể nang.

Thực tế, bãi bồi, cù lao là do chính quyền cấp xã quản lý, giao cho người dân thuê có thời hạn và mục đích sử dụng cho nông nghiệp, phi nông nghiệp. Do đó, đã có nơi bị người dân chiếm dụng xây dựng nhà dân sinh, công trình dân dụng không phép.

Cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực trạng về những vi phạm trong lĩnh vực đê điều

Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi đê đã ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói mòn đê nên dự thảo luật sửa đổi phải có quy định cụ thể, tránh việc sử dụng cù lao, bãi bồi, lòng sông không an toàn cho đê.

Các quy định này cần được dễ dàng thực hiện, không bị ràng buộc bởi các luật khác, tránh tình trạng người dân tự phát sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan chức năng.

Về xây dựng công trình cải tạo giao thông liên quan đến đê, đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành dự thảo, tuy nhiên, ngoài sự tổng hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Giao thông vận tải, đại biểu cho rằng, vấn đề này cần có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường vì không chỉ việc xây dựng cầu qua sông cần đê mà quá trình khai thác cát, sỏi khoáng sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đê nên việc cấp phép xây dựng cầu, khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong phạm vi bảo vệ đê phải có sự thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tránh trường hợp người cấp phép, người khác lại lập biên bản vi phạm, gây chồng chéo, khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Cân nhắc việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai

Đối với Luật phòng chống thiên tai, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng thống nhất cao với Ban soạn thảo bổ sung quy định về ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai tại Khoản 6 Điều 5. Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp cho công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng. "Thời gian qua, nhiều đoạn bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng. Có nơi, mỗi năm bờ biển bị sạt lở từ 20 đến 30m. Có nơi cách đây 30 năm, đê biển được đầu tư xây dựng cách bờ biển hơn 1 km nhưng nay chỉ còn đê biển và đê biển này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, cần có nghiên cứu và đưa ra giải pháp bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả"- đại biểu Lê Quang Trí nói.

Theo đại biểu, việc quy định chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu đoàn Tiền Giang, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm thiểu thiên tai, cần xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình kết hợp phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực quốc gia có hạn nên cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết nhất.

"Trong giai đoạn hiện nay rất cần đầu tư xây dựng các công trình ao, hồ điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nguồn nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mekong"- đại biểu Lê Quang Trí cho biết.

Cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cân nhắc khi thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai

Về ngân sách phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng thống nhất với Dự thảo bộ về nội dung bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách để bảo đảm cho hoạt động phòng,chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành. Việc bố trí nguồn ngân sách này bảo đảm sự chủ động và giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như xây dựng, yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chữa,xây dựng các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn thiết.

Liên quan đến việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cân nhắc, bởi việc kêu gọi tiếp nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua Hội Chữ thập đỏ là tổ chức được Chính phủ giao là đầu mối quản lý tiếp nhận viện trợ nhân đạo. "Việc hình thành quỹ tại Bộ NN-PTNT cần xem xét có chồng chéo hay không và trong trường hợp các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ thông qua các dự án phòng, chống thiên tai thì lại được quản lý theo ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách"- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu.

Theo đại biểu, cần quy định quản lý và quan hệ phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Hội chữ thập đỏ trong việc tiếp nhận và quản lý các nguồn trên để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai.

"Tôi đề nghị nếu thành lập, Chính phủ làm rõ thêm mối quan hệ quản lý giữa quỹ và Hội chữ thập đỏ và vấn đề này có phát sinh cơ quan biên chế quản lý hay không; Đồng thời cần có quy định có tính nguyên tắc về mối quan hệ với các quỹ địa phương để bảo đảm đồng bộ, thiết thực hiệu quả cho quỹ hoạt động phòng, chống và giảm thiểu thiên tai và nếu cần thiết thì có cơ chế điều hòa giữa Trung ương và địa phương"- đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói