Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đánh giá về tác hại của xâm nhập mặn đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng cục Phòng chống thiên tai và UNICEF vừa tiến hành đánh giá nhanh về tình hình của trẻ em, phụ nữ và những người bị thiệt thòi nhất liên quan đến hạn hán và xâm nhập mặn tại hai tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh.

Các chuyên gia đã xác minh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở mức độ nào, và khả năng ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ và những người bị thiệt thòi nhất trong lĩnh vực nước sạch vệ sinh, sinh kế và an ninh lương thực, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ và giới, sức khỏe. Qua đó xác định nhu cầu cho các hành động sớm giảm thiểu rủi ro thiên tai hạn mặn và hỗ trợ khẩn cấp.

Đánh giá về tác hại của xâm nhập mặn đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Những kết quả ban đầu cho thấy ngập mặn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi và có khả năng bị thiệt hại hoặc mất từ 30-70% với các diện tích trồng lúa. Phần lớn các gia đình trong cộng đồng có nguy cơ cao không được tiếp cận với nước máy (tới 40%), và nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều kiện vệ sinh yếu kém dẫn tới nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng. Bên cạnh đó, hiểu biết về tác động và rủi ro của hạn hán và xâm nhập mặn của người dân còn thấp.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần khẩn trương phát triển Kế hoạch chung phòng chống hạn mặn đa ngành cấp quốc gia. Mỗi tỉnh cần xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn đa ngành và kế hoạch cho từng ngành của tỉnh, đặc biệt là các ngành về dịch vụ con người (Y tế, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, MT). Cần tăng cường thông tin và truyền thông, thực hiện truyền thông thay đổi hành vi và huy động sự tham gia chung tay giải quyết các vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn. Cần kiểm tra chất lượng nước đặc biệt là nước giếng, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước để đảm bảo mọi người tiếp cận với nước uống an toàn. Tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương.