Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô: Doanh nghiệp “cố thủ” bám “đất vàng”

(Dân sinh) - Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chuyển ra khỏi nội đô Hà Nội. Tuy nhiên tiến độ di dời hiện nay gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Ì ạch di dời

Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ phải di dời về khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn. Nhưng đến nay công ty Rạng Đông vẫn chưa di dời và vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 28/8 tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông gây phát tán khoảng 15,1 - 27,2 kg thủy ngân ra môi trường đã để lại hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp và các hộ dân lân cận. 

Sự việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động khi các cơ sở sản xuất vẫn cố thủ "bám đất "vàng, không chịu di dời khỏi nội đô.

Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô: Doanh nghiệp “cố thủ” bám “đất vàng”  - Ảnh 1.

Vụ hỏa họa xảy ra tại Công ty Rạng Đông ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống người dân xung quanh.

Trước đó, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. 

Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội tính đến thời điểm tháng 6/2017, trong các quận nội thành thành phố còn trên 200 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch buộc phải di dời ra khỏi khu vực nội đô. Thế nhưng, sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2019, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô: Doanh nghiệp “cố thủ” bám “đất vàng”  - Ảnh 2.

Công ty Bia Hà Nội mặc dù nằm trong danh sách di dời nhưng vẫn bám trụ ở đường Hoàng Hoa Thám.

Lý giải về sự chậm trễ này, Hà Nội cho rằng trong quá trình thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa thành phố; tiến độ xử lý, di dời chậm do các nguyên nhân do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; Năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến. Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế….

Nhà máy di dời, cao ốc mọc lên

Quyết định số 130 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, thực tế là hậu di dời, nhiều khu chung cư cao tầng đã được xây dựng hoành tráng.

Điển hình với trường hợp này là Nhà máy rượu cồn Hà Nội ở địa chỉ 94 Lò Đúc sau khi di dời nơi đây đã mọc lên 2 tòa nhà cao ốc 33 - 35 tầng với quy mô 8.000 m2. Tương tự Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 trương Định sau khi di rời thành tòa nhà Nam Đô Complex với 2 tòa chung cư từ 25 - 28 tầng và 1 tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Còn khu đô thị New Hoziron City với 4 tòa chung cư từ 17 - 30 tầng cũng đã được hình thành trên diện tích đất của Công ty sản xuất kinh doanh dịch vụ việt Hà trước đây. Nhà máy cơ khí Hà Nội ở địa chỉ 72 Nguyễn Trãi thành Vinhome Royal City với 6 tòa chung cư 35 tầng tổ hợp trung tâm thương mại dưới lòng đất.

Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô: Doanh nghiệp “cố thủ” bám “đất vàng”  - Ảnh 4.

Công ty Thuốc lá Thăng Long cũng là một trong những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Công ty Cổ phần may Thăng Long ở địa chỉ 250 Minh Khai nay đã thành Thăng Long Garden với một tòa văn phòng 25 tầng và 2 tòa nhà chung cư 19 và 25 tầng. Hay địa điểm công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tiền thân là công ty dệt len Mùa Đông ở số 47 Nguyễn Tuân nay đã thành khu căn hộ mang tên TNR Goldseason gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ do TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý, điều hành và phát triển độc quyền.

Khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 – 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2…

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng nếu thành phố không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau di dời nhà máy thì có nguy cơ quy hoạch bị méo mó, nhiều chỉ tiêu quy hoạch sẽ không đạt được.

“Cần nhận diện và phân loại đầy đủ các cơ sở phải di dời. Thực tế đã chứng minh thành phố thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đã đề ra. Tiến độ di dời nhiều nhà máy quá chậm, nhiều nhà máy không biết được mình có phải di dời hay không do thiếu tuyên truyền, phân loại”

KTS Đào Ngọc Nghiêm


Theo ông Nghiêm, hiện nay diện tích cây xanh của Hà Nội mới đạt 0,9m2/người. Trong khi đó theo quy hoạch thì phải đạt 3,9m2 cây xanh/người. Nhiều chỉ tiêu về bãi đỗ xe, về dịch vụ công cộng cũng còn rất thiếu. Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Nghiêm đề nghị thành phố phải rà soát lại toàn bộ theo quy hoạch mới để xác định các khu vực có chức năng không phù hợp với sản xuất, từ đó lựa chọn mũi nhọn để xây dựng kế hoạch ưu tiên; đẩy nhanh quy hoạch làm căn cứ pháp lý để di dời cơ sở sản xuất và sử dụng đất sau di dời; sớm công bố các cơ sở phải di dời…

Trong 7 quận nội thành, đứng đầu là địa bàn quận Đống Đa với 16 cơ sở sản xuất: Cty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp) rộng hơn 13.000m2, Cty Cơ khí ô tô 3-2 (18 Giải Phóng) rộng hơn 14.000 m2. Nhiều không kém là quận Hai Bà Trưng với 14 cơ sở, trong đó có Cty CP bánh kẹo Hải Hà (25 Trương Định), Cty TNHH Nhà nước MTV Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt Minh Khai... Địa bàn quận Ba Đình có Nhà máy Bia Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám) với diện tích 50.000m2.

Thượng Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) là điểm nhức nhối nhất với cụm các nhà máy gây ô nhiễm cần phải di dời trong đó có: Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long và Giày Thượng Đình đều "liệt" vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu vực xung quanh.