Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để không bị ứ đọng cục bộ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội ngành hàng thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Trước tình hình diễn biến xấu của dịch bệnh nCoV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi, phối hợp với các bộ ngành hữu quan, cơ quan Việt Nam tại Trung Quốc, cập nhật tình hình dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.

Theo thông tin nhận được, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc được Chính phủ Trung Quốc cho phép kéo dài đến hết ngày 2/2 (mồng 9 Tết); nhiều trung tâm giao dịch, chợ đầu mối phân phối nông sản tại Quảng Tây nghỉ giao dịch đến hết ngày 8/2 và quay trở lại giao dịch từ 9/2.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để không bị ứ đọng cục bộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việc xuất khẩu một số sản phẩm nông sản qua hình thức giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn Quảng Tây, Vân Nam sẽ hạn chế giao dịch đến hết 8/2 (trừ cửa khẩu Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa làm việc bình thường từ 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch nCoV.

Từ tình hình trên, dự báo sẽ có những tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản, đặc biệt các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam (trái cây, thủy sản).

Để chủ động ứng phó các tác động đến sản xuất và xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản; quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước, nhất là các dịp lễ, rằm tại địa phương.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin chính xác, động viên các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhất là các sản phẩm phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo sản xuất và cung ứng nông sản hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương, Hiệp hội ngành hàng thường xuyên chủ động cập nhật thông tin, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của địa phương, ngành hàng để Bộ phối hợp các bộ, ngành liên quan giải quyết; trường hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ.

Báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đầu mối Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) trước ngày 10/2 để tổng hợp.