Về buôn làng vào những ngày cuối tuần, chúng tôi được thưởng thức gần như trọn bộ thực đơn dân dã của đồng bào bản địa như lá mì xào, đậu đen giã, khổ qua rừng... Bởi nay đang mùa mưa, các loại hoa-lá-rau-củ-quả tự nhiên mọc nhiều trên rẫy, sau nhà. Có nguồn nguyên liệu dồi dào, các Ama, Amí tha hồ trổ tài chế biến món ăn. Dạo quanh một vòng vườn rẫy nhà Amí Ăch (buôn Brăh, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar) chúng tôi đã "sưu tập" được một gùi nguyên liệu đúng kiểu cây nhà lá vườn gồm: quả cà đắng, trái su su, trái đậu đen non, lá mì, sả, ớt rừng, tiêu tươi... Trong nhà còn ít cá khô, thịt ba chỉ, Amí đem ra sơ chế rồi xắn tay vào bếp. Amí Ăch cho biết, mùa này ít khi đi chợ, nếu có cũng chỉ mua tí cá, thịt với mắm muối; còn rau củ cứ ra vườn, rẫy hái ăn không hết.
Cho lá mì, ít muối, mì chính, sả tươi vào cối gỗ, Amí Ăch dùng sức mạnh của đôi bàn tay giã cho nguyên liệu nát đều. Giã xong, Amí trút ngay vào chiếc chảo dầu phi hành thơm trên bếp. Amí Ăch cho hay, hầu hết các món ăn của đồng bào đều được giã nhuyễn với gia vị trước khi đem nấu. Công đoạn này chiếm nhiều thời gian và công sức nhất nhưng bù lại món ăn sẽ được thấm đều gia vị, khi ăn sẽ thơm ngon hơn. Việc chế biến món ăn không có bất kỳ một quy tắc hay công thức chuẩn nào, người nấu hoàn toàn có quyền sáng tạo theo cách của mình. Vậy nên cùng một món ăn nhưng mỗi vùng, mỗi đầu bếp lại có một công thức nấu và cách nêm nếm gia vị khác nhau tạo nên sự đa dạng. Món ăn ngon hay dở phụ thuộc vào kinh nghiệm cùng tài kết hợp nguyên liệu, gia vị của người đầu bếp. Đơn cử như món đậu đen giã, có người chỉ giã trái đậu với ớt, muối, mì chính; nhưng cũng có người cho thêm tí gừng và sả tươi hoặc ngò gai vào là đã tạo ra hương vị khác biệt.
Sau hơn một tiếng đồng hồ vào bếp, Amí Ăch đã nấu xong bữa trưa cho gia đình gồm cơm và nhiều món canh, món xào, món mặn khác nhau. Mỗi món có một hương vị riêng như: Canh mướp ngọt lịm; canh hoa chuối có vị thanh chát nhờ sự kết hợp giữa hoa chuối với ít quả cà đắng; lá mì xào với thịt ba chỉ ăn có vị beo béo càng ăn càng ghiền; hoa đu đủ xào có vị đắng ở miệng nhưng nhai một lát lại có vị ngọt nhẹ; món đậu đen giã mặn cay khó cưỡng; gỏi cà vừa đắng vừa thơm và cay xè nhờ mắm nêm ớt xanh và lá ngò gai... Một điểm chung trong các món ăn của người bản địa là vị đắng, cay và chua rất đặc trưng được tạo ra nhờ vào phần nêm nếm gia vị. Trong ẩm thực buôn làng, gia vị chính là "phép màu" biến hóa tạo nên sự đa dạng của các món ăn. Điểm sơ các loại gia vị có trong mâm cơm nhà Amí Ăch đã có hơn chục loại như: lá é, ngò gai, lá quế, rau mùi, rau húng, củ riềng, tỏi, hành tăm, đường, tiêu đen, ớt rừng... Với một danh sách gia vị như thế, món ăn được tạo nên sẽ rất thơm và cay, vị cay nồng đượm đủ để kích thích khẩu vị, để người ăn hít hà mà thưởng thức cho ngon hơn. Tận mắt chứng kiến, tham gia vào quá trình chế biến, chúng tôi mới phần nào hiểu được sự kỳ công, khéo léo của "đầu bếp" bản địa. Ẩm thực buôn làng không đơn thuần là món ăn mà gói gém cả văn hóa truyền thống. Cách chọn nguyên liệu, cách chế biến của các Ama, Amí buôn làng rất gần gũi, mộc mạc với thiên nhiên núi rừng. Đó cũng là một trong những lý do khiến du khách ngày càng có xu hướng về buôn làng tìm hiểu văn hóa và thưởng thức ẩm thực bản địa.