Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phòng cháy chữa cháy: "Khoảng trống" trách nhiệm phải có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”

(Dân sinh) - Theo đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa), qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật đã được phát hiện và “bịt” lại. Kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù, nhưng những lỗ hổng về nhận thức, và khoảng trống trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để “lấp đầy”.

Hàng trăm chung cư, cao ốc ẩn chứa nguy cơ cháy nổ

Quốc hội dành cả ngày 13/11 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, để làm tốt công tác PCCC thì một trong những yêu cầu đặt ra là phải làm tốt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Tuy nhiên, từ thực tiễn các vụ cháy trong thời gian vừa qua cho thấy, nguyên nhân cơ bản là do sự thiếu chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của một số chủ đầu tư.

Bà Hiền cũng bày tỏ "bất ngờ và băn khoăn" khi qua báo cáo giám sát cho thấy, cả nước vẫn còn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu.

"Những con số này báo động tình trạng còn buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, cần được chấn chỉnh kịp thời", bà Hiền nêu quan điểm và đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình vi phạm chưa đảm bảo an toàn về PCCC.

Đồng quan điểm, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, để khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế tình trạng trên, trước hết phải nhìn nhận các lỗi chủ quan thay vì đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.

Phòng cháy chữa cháy: "Khoảng trống" trách nhiệm phải có giải pháp đích đáng để “lấp đầy” - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

"Chúng ta đều biết, mùa hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, nắng nóng kéo dài và đạt mức kỷ lục. Nhưng nếu như những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan, thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người", bà Xuân nói, đồng thời dẫn ví dụ thêm về các vụ việc như:

Ngày 27/6, nông dân Nguyễn Thị Hảo 36 tuổi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7 héc ta, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù.

Ngày 28/6, một nông dân khác là Phan Đình Thành 46 tuổi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó Thành cũng bị khởi tố, bắt tạm giam…

Theo đại biểu Xuân, vì sự thiếu hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy của một số người, mà "hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì lại phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân".

Tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC

Cho rằng việc tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, phải làm rõ tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này. Đặc biệt, với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định", đại biểu Xuân nhấn mạnh.

Theo đại biểu tỉnh Thanh Hóa, qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật đã được phát hiện và "bịt" lại. Kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù, nhưng những lỗ hổng về nhận thức, và khoảng trống trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để "lấp đầy".

Vì thế, đại biểu Xuân đề nghị trong nghị quyết Quốc hội tới đây, cần quy định hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC.

Cho rằng, những thực trạng được đánh giá trong báo cáo không mới, các nguyên nhân được phân tích trong báo cáo cũng "có thể không bất ngờ", nhưng đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá, với Báo cáo kết quả giám sát về công tác thực hiện PCCC đã đặt ra một cái nhìn tổng thể, toàn diện về công tác triển khai chính sách pháp luật về PCCC.

Phòng cháy chữa cháy: "Khoảng trống" trách nhiệm phải có giải pháp đích đáng để “lấp đầy” - Ảnh 2.

Phiên họp toàn thể tại hội trường

Tuy nhiên, theo bà Hoa, công tác này phải được xác định "phòng" là chính và đặc biệt phải có những giải pháp ngăn ngừa từ tất cả các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và đặc biệt là từ phía những người dân. Do đó, theo đại biểu Hoa, trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động trong việc phòng, chống cháy, nổ.

Cùng với đó, nữ đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy, nổ hiện nay để nhận ra những "lỗ hổng" cần phải xử lý; cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đó là những "lỗ hổng" trong hệ thống văn bản hướng dẫn.

"Chúng tôi đi tham gia một số đoàn giám sát thấy rằng có sự chồng chéo, bất cập và thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật, không chỉ là những pháp luật trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, về phòng, chống cháy, nổ mà các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực, đây là những nguyên nhân khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện", đại biểu Hoa nói.

Ngoài ra, lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện, theo bà Hoa cũng khá rõ. Theo đó, bà Hoa nêu thực tế, cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền nhưng "người dân lại bảo là chúng tôi không biết".

"Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, nhưng những sai phạm trong cháy, nổ thì được xử lý rất ít và thực tế cho thấy, khi sự cố cháy nổ xảy ra, lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm tới công tác phòng, chống cháy rừng. Cháy quán Karaoke ở một địa phương thì các địa phương khác rà soát việc phòng, chống cháy, nổ. Cháy chung cư ở một vài địa phương thì người dân cũng như chính quyền ở các địa phương khác mới bắt đầu quan tâm, rà soát nhiều hơn tới việc phòng, chống cháy, nổ", đại biểu nêu.

Theo đó, đại biểu Hoa thấy đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm có "vấn đề", thì trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn.

"Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi", bà Hoa nhấn mạnh và đề nghị nhìn thẳng vào các tồn tại và ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát PCCC cần làm rõ yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao.

Đó là hệ thống trường học, nhất là nhóm trẻ mầm non, gửi ở gia đình, vì đây là những đối tượng rất bé, kỹ năng tự phòng chống cháy nổ khó khăn; các công trình văn hóa, di tích, đền chùa cổ có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở những địa điểm này, cũng như có nhiều vật liệu dễ cháy, cũng như ở các thư viện có chứa nhiều sách.

Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống chung cư bởi theo thống kê bước đầu trên cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư, tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...