Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu phi

(Dân sinh) - Tỉnh Thanh Hóa hiện tại vẫn đang tích cực chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi.

Ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu phi - Ảnh 1.

Phun hóa chất phòng chống dịch tả lợn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 trong cả nước xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu phi. Ổ bệnh dịch đầu tiên xuất hiện vào ngày 23/2, tại xã Định Long, huyện Yên Định, lũy kế tính đến 16h ngày 2/10, bệnh dịch đã xảy ra tại 18.909 hộ của 1.849 thôn, 468/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố, buộc phải tiêu hủy 144.461 con lợn, với trọng lượng gần 10.200 tấn.

Tỉnh Thanh Hóa đã có 7 huyện, thị xã và 270 xã được công bố hết dịch. Tuy nhiên, từ ngày 28/8 sau khi ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã bùng phát mạnh trở lại, khiến tổng số lợn tiêu hủy tăng từ 121 con/ngày lên 1.121 con/ngày. Đáng nói, thời điểm sau 30 ngày của hoàn lưu bão số 4, số lượng tiêu hủy lợn tăng lên 3.498 con/ngày.

Đã có 5 huyện, 151 xã bị tái phát dịch. Tính đến ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh có 1.566 thôn, 349 xã của 25 huyện, thị xã, thành phố đang còn bệnh dịch tả lợn Châu phi chưa qua 30 ngày.

Thanh Hóa: Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu phi - Ảnh 2.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi tại huyện Triệu Sơn

Nguyên nhân khiến bệnh dịch bùng phát mạnh trở lại là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và số 4 đã gây mưa lũ trên địa bàn tỉnh, làm nguồn nước mặt bị nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu phi, mầm bệnh theo đó lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát. Số lượng chăn nuôi nhỏ, lẻ lớn; các hộ chăn nuôi trong vùng dịch thực hiện tái đàn khi chưa đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Một số địa phương còn lơ là trong công tác chỉ đạo triển khai các giải pháp về quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý giết mổ, chợ thực phẩm, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn, chăn nuôi an toàn sinh học. Hệ thống thú y cơ sở không còn hoạt động theo Luật Thú y đã làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, giám sát phòng, chống bệnh dịch…

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng , xử lý ổ dịch theo quy định; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, hàng ngày phát hiện sớm bệnh dịch để kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý… đến ngày 2/10, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được 170.685 lít hóa chất thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó Trung ương và tỉnh cấp 108.858 lít, UBND các huyện tự huy động được 61.827 lít. Ngoài hóa chất, toàn tỉnh còn cấp phát, huy động được 1.045 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng, 23.531 bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch dùng 1 lần; 12.029 đôi ủng cao su phục vụ phòng, chống dịch; 20.000khẩu trang phòng dịch; 20.000 đôi găng tay cao su; 122 bình bơm động cơ...

Ghi nhận công tác phòng, chống bệnh tả lợn Châu phi của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá lại nguyên nhân khiến bệnh dịch tái bùng phát trong thời gian gần đây. Trên cơ sở đánh giá lại các nguyên nhân chính khiến bệnh dịch diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học vào quá trình chăn nuôi; siết chặt hoạt động của các trạm, chốt kiểm soát động vật; trong quá trình chuyển đổi con nuôi, khuyến khích phát triển đối tượng con nuôi thủy cầm; siết chặt công tác kiểm soát giết mổ. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn, hiệu quả kinh tế cao.