Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tích cực chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi

(Dân sinh) - Ngày 19/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi năm 2019 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020.

Ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi tại các địa phương.

Năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%). Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết ngân sách Nhà nước đã dành hơn 17.517 tỷ đồng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế), khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, có khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công; trên 3,1 triệu người người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Nhiều địa phương đã tổ chức, phối hợp khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi, với hơn 11,313 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 99% tổng số người cao tuổi). Đến nay, cả nước có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa: 957 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa, hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Các địa phương thực hiện, bố trí kinh phí tổ chức mừng thọ, chúc thọ và tặng quà các cụ 90 tuổi, 100 tuổi và trên 100 tuổi dịp Tết Nguyên đán.

Tích cực chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 1,24 triệu người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể; có địa phương có đến 70-80% người cao tuổi làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản.

Các loại quỹ của người cao tuổi ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Đến nay, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi ở 9.453 xã, phường, thị trấn, đạt 84% So với tổng số xã, phường, thị trấn cả nước. Nhiều tỉnh triển khai tốt như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tây Ninh.

Đáng chú ý, hiện nay, một số tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…

Các Bộ, ngành phối hợp với các cấp Hội phát huy vai trò người cao tuổi trong cộng đồng xã hội như "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; phong trào người cao tuổi tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo…

Cần chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động – TB&XH, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi. Đời sống người cao tuổi còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; mức trợ cấp xã hội thấp.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người cao tuổi hạn chế, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu bất cập; khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở. Kinh phí hỗ trợ hoạt động các cấp Hội hạn chế. Nguồn nhân lực làm công tác người cao tuổi chưa hiệu quả; công tác thông tin chậm…

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2020, các bộ, ngành sẽ tập trung chuẩn bị văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2021, với những điểm mới đối với người lao động cao tuổi; đồng thời tiến tới triển khai cải cách bảo hiểm xã hội theo mô hình lưới đa tầng.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trên thực tế, số người cao tuổi không nơi nương tựa, rối loạn tâm thần… có xu hướng gia tăng nhưng các cơ sở công lập không đủ khả năng tiếp nhận. Bộ trưởng đề xuất, cần có các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như hỗ trợ miễn giảm thuế; ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ…

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, các địa phương, bộ, ngành trong công tác chăm sóc, phát huy, chăm lo đời sống cho người cao tuổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác chăm sóc người cao tuổi, chỉ rõ những nơi làm chưa tốt, có biện pháp xử lý, nhắc nhở, thực hiện theo luật định.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chính sách thu hút các nguồn lực xã hội vào hoạt động chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tham gia đầu tư các cơ sở chăm sóc và các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi.

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường phát huy vai trò của người cao tuổi, cựu chiến binh trong hoạt động tư vấn, giám sát hoạt động, thực hiện chủ trương, chính sách của các cấp uỷ Đảng, chính quyền.